Măng Đen: “Đà Lạt thứ hai” trên cao nguyên xanh

621

 

Kon Plong là huyện núi cao phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum, được thành lập ngày 31/01/2002 trên cơ sở chia tách từ huyện Kon Plong (cũ) thành 2 huyện mới: Kon Plong và Kon Rẫy. Toàn huyện Kon Plong có tổng diện tích tự nhiên 136.160ha, dân số hơn 20.000 người (gồm các dân tộc bản địa Mơ nâm, Xê đăng, Ka dong, H’rê chiếm hơn 97% dân số) với 9 đơn vị hành chính cấp xã. Tuyến quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi (và ngược lại) như một dải lụa len lỏi giữa núi đồi cao nguyên, mềm mại băng qua khu du lịch sinh thái Măng Đen ngày càng được đầu tư mở rộng, giúp du khách dễ dàng khi tìm đến miền đất giàu tiềm năng du lịch này.

mangden1Khu du lịch sinh thái Măng Đen bao bọc quanh trung tâm huyện lỵ Kon Plong với những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông đỏ bạt ngàn trải dài như vô tận và hàng chục thác, suối, hồ nước kỳ ảo, trong xanh. Nằm ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, Măng Đen (theo tiếng bản địa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng) nối liền đèo Măng Đen cao vút ở phía Nam và đèo Violắc thơ mộng ở phía Bắc (địa phận Quảng Ngãi) là điểm phân thủy Đông – Tây Trường Sơn, nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát lạnh, mờ sương với nhiệt độ trung bình cả năm dưới 200C.

Hơn nửa thế kỷ trước, người Pháp đã từng có ý định xây dựng khu an dưỡng – nghỉ mát tại Măng Đen. Từ trung tâm huyện lỵ Kon Plong, bách bộ chừng non 1 km, du khách có thể thỏa thê ngắm nhìn những thảm thực vật hoang sơ, bí ẩn, dường như chưa có sự tác động của bàn tay con người. Xa xa (trong vòng bán kính 10 km), hàng chục hồ nước, thác đá xanh trong, mát lạnh róc rách chảy về hạ nguồn. Sim mua mọc san sát, phủ tím những con đường mòn dẫn vào các khu rừng nguyên sinh. Trong những khu rừng này vẫn còn hàng loạt cây cổ thụ người ôm không xuể, những loại gỗ quý hiếm như thông đỏ, pơ mu và những loại dược liệu như trầm dó, quế; những loài động vật hoang dã như trăn, sơn dương, nhím…

Măng Đen còn được xác định là thượng nguồn sông Ba chảy qua địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên, bồi đắp phù sa làm nơi định cư, lao động sản xuất của hàng vạn dân ở hạ nguồn. Cư dân bản địa hiện vẫn còn lưu giữ những sắc màu văn hóa truyền thống hết sức độc đáo. Buôn làng của họ yên bình giữa cao nguyên xanh huyền ảo có độ che phủ hơn 60% (rất hiếm thấy đối với những khu rừng nguyên sinh ở các nước).mangden2

Với mục tiêu trở thành điểm nhấn giữa “Con đường xanh Tây Nguyên”, chính quyền sở tại đã hoàn tất quy hoạch phát triển khu du lịch Măng Đen với 11 cụm, điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Kinh phí đầu tư dự kiến lên đến gần 2.000 tỉ đồng. Bước đầu, địa phương đã thành công trong việc xây dựng mô hình thí điểm trồng rau, hoa, quả cao cấp xứ lạnh nhằm điểm tô thêm sắc màu cho “Đà Lạt thứ hai”. Bên cạnh đó, dự án sân gold, biệt thự nghỉ dưỡng, suối nước nóng, vườn tượng đá đồng bào Tây Nguyên, khu thực nghiệm, nghiên cứu sinh học cho sinh viên… bên hồ Toong Đam huyền thoại với vốn đầu tư hàng chục triệu USD cũng đã và đang được triển khai.

Măng Đen đang là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương. Một nhà thơ khi đến thưởng ngoạn thắng cảnh Măng Đen huyền ảo đã cảm tác: “Măng Đen chiều se lạnh/ Nắng vàng vội vã đi đâu/ Sương giăng mờ khắp lối/ Đồi thông khói đá lửng lờ/ Chiều Măng Đen suối ngàn xa vọng lại/ Cơn gió nô đùa trên những cành lan/ Bên thảm cỏ non chú nai vàng say giấc/ Măng Đen ơi ai dệt mây tranh”…

(Nguồn: Báo Bình Định)

Đi đến nguồn bài viết