Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến những con đường đất đỏ bazan, những khu rừng xanh mướt cùng văn hóa đồng bào thiểu số. Cùng iVIVU khám phá 12 điểm du lịch Gia Lai không thể bỏ qua!
Núi lửa Chư Đăng Ya
Núi Chư Đăng Ya thuộc huyện Chư Păh, cách trung tâm Pleiku khoảng 30km. Đây là điểm du lịch Gia Lai nổi tiếng du khách thường đến khám phá. Chư Đăng Ya là ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm. Miệng núi lửa có hình phễu, cao khoảng 500m so với mưc nước biển. Núi lửa nằm ẩn mình giữa rừng xanh đại ngàn Tây Nguyên. Mỗi mùa, Chư Đăng Ya có sự thay đổi sắc màu khác nhau. Vào mùa khô, núi lửa được phủ kín màu vàng rực của hàng vạn bông dã quỳ. Vào mùa mưa, Chư Đang Ya sặc sỡ trong sắc đỏ của những vạt hoa dong riềng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng
Khu bảo tồn Kon Chư Răng có hệ động thực vật đa dạng, phong phú với nhiều loài quý hiếm. Rừng ở đây chủ yếu là rừng già và rừng nguyên sinh cùng với núi đồi, sông suối, thác ghềnh. Năm 1986, Kon Chư Răng được đưa vào danh sách các khu rừng cấm để được bảo vệ chặt chẽ. Trong khu bảo tồn có 12 thác nước cao trên 15 m nằm giữa rừng nguyên sinh. Đây đều là những con thác được du khách yêu thích khám phá. Ở vùng lõi rừng có 17 hộ dân là người đồng bào Ba Na đang sinh sống.
Biển Hồ
Biển Hồ nằm ở phía Bắc Gia Lai, cách Pleiku khoảng 7km. Biển Hồ có hình bầu dục, diện tích khoảng 230 ha, xung quanh có núi bao bọc và rừng thông xanh mát. Đây được xem là hồ nước tự nhiên đẹp nhất Tây Nguyên. Du lịch Gia Lai cũng rất nổi tiếng với địa danh này. Theo khoa học, Biển Hồ là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động. Nhưng với đồng bào thiểu số, hồ nước này gắn với rất nhiều truyền thuyết thú vị. Sự rộng lớn mênh mông của hồ nước tựa như biển khơi. Dẫu nắng hạn đến đâu, nhưng nước ở đây vẫn chưa bao giờ cạn.
Núi Hàm Rồng
Cách Pleiku hơn 10km, núi lửa Hàm Rồng cao hơn 1.000 m như một hình mặt trăng khuyết với rãnh sâu hướng về phía Nam. Đây cũng là hướng dung nham chảy khi núi lửa còn hoạt động. Ở phía hạ du, người dân thường tìm thấy những thân gỗ hóa thạch được cho là do dung nham vùi lấp các cánh rừng để lại. Núi có dạng hình tròn khuyết giống như một cái móng ngựa, với một rãnh sâu lớn cắt sườn từ miệng phễu hướng về nam. Hiện nay, đỉnh núi là trạm thu phát sóng viễn thông của cả tỉnh.
Chùa Minh Thành
Cách trung tâm Pleiku khoảng 2km, toạ lạc trên một ngọn đồi thoai thoải, chùa Minh Thành nổi bật với quần thể kiến trúc độc đáo. Chùa được xây dựng vào 1964, sau đó bị hư hại và đến năm 1997 mới được trùng tu và xây mới. Sau quá trình trùng tu kéo dài hơn 10 năm, chùa Minh Thành như được khoác lên chiếc áo mới với vẻ đẹp kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Đến nay, chùa không chỉ là nơi các Phật tử đến để lễ phật mà còn thu hút nhiều du khách đến vãn cảnh.
Hồ thủy điện Ialy
Nhà máy thủy điện Ialy được xây dựng năm 1993 và khánh thành vào năm 2002. Thủy điện được thiết kế với kiến trúc đẹp và nhiều hạng mục như đập tràn xã lũ, đài tưởng niệm, cửa nhận nước, nhà máy ngầm nằm dưới mặt đất gần 300m. Nhiều du khách đến Gia Lai đã tham quan nhà máy thủy điện và dạo quanh vùng lòng hồ mênh mông nối hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Thác Phú Cường
Thác Phú Cường nằm ở huyện Chư Sê, được hình thành trên nền một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động. Cho dù là mùa mưa hay mùa khô, thác vẫn toát lên vẻ đẹp thi vị giữa núi rừng. Thác Phú Cường có độ cao trên 40m, từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ầm ào. Khi nước từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa. Xung quanh thác là thảm thực vật phong phú, bạn sẽ được trút hết mệt mỏi hàng ngày khi đến đây.
Thác Xung Khoeng
Thác Xung Khoeng nằm ở xã La Me, huyện Chư Hơ Rông. Xung quanh là những ngọn núi cao và rừng cây rậm rạp. Thác chảy suốt ngày đêm với những dòng nước chảy xiết tung bọt trắng xóa. Nước còn đổ xuống theo triền đá uốn cong mềm mại nhìn rất lãng mạn. Phía dưới chân thác, du khách có thể ngồi trên những tản đá mát lạnh và tận hưởng không khí trong lành.
Rừng thông Hà Tam
Du lịch Gia Lai còn hấp dẫn với rừng thông cổ thụ. Rừng thông Hà Tam rộng 200 ha thuộc quần thể đèo Mang Yang. Toàn bộ rừng thông là thông cổ thụ, đường kính lên tới 2 m, có từ thời Pháp thuộc. Rừng có độ cao từ 1.000 m đến 1.200 m so với mặt nước biển, có hệ động thực vật phong phú. Ngả mình trên lớp lá êm êm, hít hà mùi thơm của nhựa thông là trải nghiệm thích thú của mỗi du khách. Ngoài ra du khách cũng có thể tham quan dòng suối Đak Hyam bắt nguồn từ đỉnh đèo Mang Yang chảy dọc theo triền núi. Từ cách xa, du khách đã có thể nghe thấy tiếng thác đổ hòa lẫn với tiếng chim ríu rít.
Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Đến bảo tàng Gia Lai, du khách sẽ được giới thiệu khái quát về lịch sử vùng đất và con người Gia Lai. Bảo tàng có 6 phòng, trưng bày gần 7.000 hiện vật gốc các loại. Bảo tàng còn là một công trình kiến trúc văn hóa, nơi hội tụ các di sản văn hóa, lịch sử. Trong các hiện vật, có nhiều hiện vật có giá trị cao về văn hóa truyền thống. Đó là bộ sưu tập cồng chiêng của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, sưu tập ché cổ quý hiếm, trống đồng An Thành, phù điêu đá Chăm Pa…
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, cách Pleiku 50km. Kon Ka Kinh là đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku với độ cao 1.748m so với mặt nước biển. Kon Ka Kinh có 687 loài thực vật có mạch thuộc 459 chi, 140 họ. 428 loài động vật, trong đó 42 loài thú, 130 loài chim, 51 loài bò sát-lưỡng cư. 205 loài bướm thuộc 10 họ trong bộ cánh vây. Sức hấp dẫn của vườn quốc gia còn nằm ở hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tự nhiên tuyệt đẹp. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, Kon Ka Kinh là điểm đến lý tưởng.
Làng kháng chiến Stơr
Du lịch Gia Lai không chỉ hấp dẫn bởi thiên nhiên. Mà lịch sử văn hóa nơi đây cũng rất lôi cuốn. Làng Stơr nằm yên bình bên bờ suối Tơ Tung. Đây là quê hương của Anh hùng Núp, người lãnh đạo đồng bào Bahnar chống Pháp và Mỹ. Dựa vào địa hình rừng núi, Anh hùng Núp đã vận động, hướng dẫn dân làng Stơr đoàn kết, mưu trí đánh tan nhiều cuộc càn quét của địch. Đến với khu di tích, du khách được dân làng đón chào niềm nở với điệu múa xoang, tiếng Cồng và những món ăn dân dã.
Theo Kon Tum
Kon Tum Tháng Tám 12, 2024