baokontum.com.vn
Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm huyện Tu Mơ Rông có trên 300 lao động được tạo việc làm, đồng thời có gần 900 lao động biết áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thuận Hóa- Trưởng Phòng LĐ,TB&XH cho biết, thực hiện Tiểu dự án 3 về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi, thuộc Dự án 5, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (viết tắt là Tiểu dự án 3.5), trong 3 năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, các chính sách giải quyết việc làm được triển khai khá đồng bộ, đúng định hướng, bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội huyện nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động nông thôn.
Anh A Định ở thôn Tê Xô Ngoài, xã Đăk Tờ Kan phát triển cây cà phê vối. Ảnh: NH
Cụ thể, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu dự án 3.5 và nguồn vốn của Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện mở được 54 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, với 1.810 học viên tốt nghiệp. Trong đó, 45 lớp nghề nông nghiệp, với 1.536 học viên và 9 lớp nghề phi nông nghiệp, với 274 học viên.
Qua kiểm tra thực tế, học viên sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò đã biết làm chuồng trại, trồng cỏ, phòng bệnh cho trâu, bò. Học viên sau khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc các loại cây như: sâm dây, sơn tra, cà phê catimor, cà phê vối đã áp dụng kỹ thuật lên luống, tạo bồn, tưới nước, bỏ phân, làm cỏ giúp gia tăng sản lượng nông sản.
Học viên sau khi tham gia lớp đào tạo nghề nề hoàn thiện đã biết một số kỹ thuật xây trát cơ bản có thể ứng dụng vào xây trát các công trình phụ, làm sàn bê tông. Học viên sau khi tham gia học nghề du lịch cộng đồng đã chủ động tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương, biết tận dụng những văn hóa cộng đồng để thu hút du khách, góp phần nâng cao thu nhập. Học viên sau khi tham gia học nghề làm chổi đót đã biết tận dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để làm chổi, trong đó có một số lao động còn thành lập các nhóm hộ để thu mua, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Với những kiến thức học được, cùng với sự cần cù, chịu khó của bản thân, bình quân hàng năm toàn huyện có trên 300 lao động đã tạo việc làm mới có thu nhập cao hơn, qua đó giúp giảm nghèo bền vững, trong đó tỷ lệ thoát nghèo hàng năm đều đạt trên 10%, vượt kế hoạch tỉnh giao. Riêng năm 2024, toàn huyện đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 864/770 chỉ tiêu theo kế hoạch, giải quyết việc làm cho 550 lao động, trong đó có 34 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nghề làm chổi đót của đồng bào DTTS ở xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông đang phát triển. Ảnh: N.H
Việc triển khai công tác giáo dục GDNN trên địa bàn các xã góp phần giúp người dân tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới, nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, giúp gia tăng nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác GDNN đã nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ, góp phần để các xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tiêu biểu tại xã Đăk Na, học viên sau khi học lớp nghề làm chổi đót đã thành lập 2 nhóm hộ để sản xuất và bao tiêu sản phẩm, bình quân có 18 học viên/nhóm. Học viên tại các nhóm hộ này, ngoài việc tự nâng cao trình độ tay nghề, còn là hạt nhân để dạy lại cho các lao động khác, nên năm qua đã có 7/10 hộ nghèo thoát nghèo. Tại xã Đăk Tờ Kan có 4 học viên tham gia học lớp chăm sóc cà phê vối nắm vững kỹ thuật trồng trọt, qua đó cải tạo được vườn nhà, thâm canh cà phê nhà cho năng suất cao hơn các năm trước, nên năm qua có 3/4 hộ nghèo thoát nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Tiểu dự án 3.5, học viên sau khi học nghề chưa mạnh dạn bỏ vốn cũng như vay vốn để đầu tư vào sản xuất, nên vẫn còn một số hộ dân chưa áp dụng khoa học-kỹ thuật vào phát triển kinh tế hộ gia đình. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp tiến tới giải quyết việc làm bền vững của huyện còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do trình độ lao động còn thấp so với nhu cầu thị trường lao động, tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ còn thấp.
Ông Nguyễn Thuận Hoá nhấn mạnh, để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đúng với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội huyện và nhu cầu học của người dân, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban liên quan và UBND các xã tiến hành khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của người dân, qua đó nhằm xác định chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị tư vấn cho lao động nông thôn các ngành nghề đào tạo phù hợp, để có thể áp dụng nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Nguyên Hà
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/tu-mo-rong-dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-cho-dong-bao-dtts-45163.html