baokontum.com.vn
Với mục tiêu xây dựng một nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đã lựa chọn 4 trụ cột, gồm: Nông, lâm nghiệp; Công nghiệp; Văn phòng, Thương mại, dịch vụ, du lịch và lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị để ưu tiên thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào 4 trụ cột kinh tế này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND, ngày 6/4/2023 về điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 (được bổ sung thêm tại Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 19/01/2024, Quyết định số 116/QĐ-UBND ngày 15/3/2024). Theo đó, danh mục dự án thu hút đầu tư vào tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 có 158 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 80.089 tỷ đồng. Trong đó, có 69 dự án trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp với tổng mức khoảng 57.036 tỷ đồng; 14 dự án trên lĩnh vực công nghiệp với tổng mức khoảng 3.245 tỷ đồng; 44 dự án trên lĩnh vực văn phòng, thương mại, dịch vụ, du lịch với tổng mức khoảng 4.512 tỷ đồng; 31 dự án trên lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị với tổng mức khoảng 15.296 tỷ đồng.
Nhận thấy Kon Tum có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nhưng chưa có các nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu, nên Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai đã quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến và được tỉnh chấp thuận. Ông Nguyễn Hồng Mạnh- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai cho biết: Hiện nay, Nhà máy đã hoàn thành xây dựng các hạng mục chính của dự án gồm 3 nhà xưởng, hạ tầng giao thông, hàng rào, nhà điều hành chung và đầu tư cải tạo nâng cấp xong dây chuyền sản xuất rượu trắng nguyên liệu và các thiết bị sấy khô nông sản, dược liệu. Nhà máy cũng đã đi vào hoạt động sản xuất rượu gạo truyền thống, rượu đông trùng hạ thảo và rượu ngâm thảo dược khác, sản xuất và chế biến một số sản phẩm từ nông sản, dược liệu như đông trùng hạ thảo sấy khô, trà cao sâm, trà sâm.
Thăm Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai tại Khu Công nghiệp Sao Mai. Ảnh: PN
“Nhà máy còn có sản phẩm từ nước ép một số loại trái cây, tuy nhiên hiện nay chưa hoạt động do đang trong quá trình đầu tư xây dựng và nhập khẩu công nghệ. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nước ép trái cây, đặc biệt là chanh dây, hiện nay Công ty đã liên kết với các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn các huyện, thành phố để phát triển vùng trồng cây chanh dây với diện tích liên kết khoảng 350 ha” – ông Mạnh cho biết.
Theo ông Mạnh, lý do khiến Công ty chọn Kon Tum đầu tư nhà máy chế biến sâu các loại nông sản, bởi các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp; đồng thời, tỉnh Kon Tum có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm chỉ đạo và các sở ngành, đơn vị có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ cho đơn vị rất nhiều. Ngoài ra, đơn vị cũng nhận thấy tiềm năng, dư địa về trái cây ở Kon Tum rất lớn, trong khi đó, trên địa bàn cũng chưa có nhà máy chế biến sâu nên quyết định lựa chọn Kon Tum để xây dựng nhà máy.
Các sở, ban ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh luôn nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện đang áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Trung ương trên địa bàn tỉnh như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các chính sách ưu đãi về thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Bởi vậy, cùng với lợi thế về nông nghiệp, dược liệu, du lịch, trên địa bàn huyện đã thu hút được một số dự án có mức đầu tư cao như dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Văn Xuôi và xã Ngọc Yêu với tổng vốn 3.430 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh diện tích rau hoa xứ lạnh ở Kon Plông. Ảnh: P.N
Theo thống kê, giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh đã có 119 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương còn hiệu lực thi hành với tổng vốn đăng ký khoảng 24.878 tỷ đồng. Trong đó, có 53 dự án đã hoàn thành đi vào vận hành sản xuất kinh doanh với tổng vốn 2.665 tỷ đồng; 13 dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng với tổng vốn đăng ký khoảng 5.438 tỷ đồng; 53 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục pháp lý với tổng vốn đăng ký khoảng 16.775 tỷ đồng.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh xác định thu hút đầu tư vào 4 trụ cột ưu tiên (nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, du lịch, phát triển đô thị) sẽ là khâu đột phá chiến lược, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nhà. Chính vì vậy, tỉnh đã áp dụng, triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Các dự án trên địa bàn tiếp tục được hưởng đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định.
Với chính sách trải thảm đỏ đón nhà đầu tư, Kon Tum rộng cửa chào đón và sẵn sàng đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hợp tác, đầu tư. Điều này cũng thể hiện khát vọng mới, tinh thần cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của tỉnh trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với mảnh đất Kon Tum giàu tiềm năng khai phá.
Phúc Nguyên
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/trai-tham-don-nha-dau-tu-44314.html