Sản xuất nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững

3

baokontum.com.vn

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu và là hướng đi bền vững, giúp ngành Nông nghiệp của tỉnh phát triển. Xác định rõ điều này, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn triển khai quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, sâm Ngọc Linh, rau quả sạch và các loại cây ăn quả đặc sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn, ứng dụng công nghệ mới và các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm để  phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 38 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; trong đó, cấp tỉnh có 2 chuỗi và cấp huyện, thành phố có 36 chuỗi.

Toàn tỉnh đã xây dựng được 14 mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn tại thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Rẫy. Trong đó,  có 5 chuỗi rau, củ nấm, 3 chuỗi cà phê, 1 chuỗi thịt gà, 3 chuỗi thịt lợn và 1 chuỗi Đảng sâm. Các sản phẩm này được tiêu thụ tại các cửa hàng an toàn, các bếp ăn tập thể, các cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh.

Sản xuất nông sản an toàn là hướng đi đang được ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực thực hiện. Ảnh: T.H

 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng và huyện Đăk Hà đang tích cực triển khai, hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển vùng sản xuất cà phê Đăk Hà đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với mục tiêu là đến năm 2025, hình thành được vùng nguyên liệu đạt chuẩn có quy mô 6.500 ha. Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn như Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng (Đăk Hà), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê chất lượng cao. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm cà phê Đăk Hà trên thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người trồng cà phê. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng.

Bà Y Hằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc phát triển vùng sản xuất gắn với xây dựng chuỗi nông sản, thực phẩm an toàn đã mang lại nhiều giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Với người sản xuất, điều này giúp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, đảm bảo đầu ra ổn định, giảm thiểu  rủi ro từ việc biến động giá cả. Về phía doanh nghiệp, họ có được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo, độ đồng đều cao; từ đó, sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhà nước cũng thuận lợi hơn trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ. Đây chính là hướng đi phù hợp, cần thiết trong quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Song song với việc tổ chức sản xuất, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm nông thủy sản cũng được các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện.

161019Ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20ng%C3%A0y%20c%C3%A0ng%20quan%20t%C3%A2m,%20ch%C3%BA%20tr%E1%BB%8Dng%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20n%C3%B4ng%20nghi%E1%BB%87p%20an%20to%C3%A0n

Người dân ngày càng quan tâm, chú trọng phát triển nông nghiệp an toàn. Ảnh: TH

 

Hàng năm, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức thẩm định, đánh giá xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản trên toàn tỉnh. Đồng thời, tiến hành lấy mẫu nông, thủy sản để giám sát chất lượng nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo quy định về an toàn nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Trước xu thế và đòi hỏi tất yếu của thị trường về tiêu thụ nông sản an toàn, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ lợi ích, giá trị thiết thực mà sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn mang lại, từ đó tích cực, chủ động mở rộng sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hành sản xuất an toàn, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (Organic); đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển bền vững trên cả phương diện kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã triển khai các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa nông nghiệp từ các khâu sản xuất đến khâu lưu thông sản phẩm, nhằm hạn chế những thực phẩm không đảm bảo an toàn đưa ra thị trường.  

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/san-xuat-nong-san-an-toan-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-44292.html