Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở thành phố Kon Tum

3

baokontum.com.vn

Thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn thành phố Kon Tum mạnh dạn thử nghiệm với nghề trồng dâu, nuôi tằm. Tuy phát triển chưa lâu, nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại khá tích cực từ hướng đi mới này, mở ra triển vọng trong việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho nông dân trên địa bàn.

Những năm trước, hơn 3 ha đất nông nghiệp đã được gia đình anh Phan Dũng Sỹ (Tổ dân phố 3, phường Ngô Mây) đầu tư trồng cao su và một số cây ngắn ngày. Nhưng kể từ đầu năm 2023, diện tích này được thay thế bằng vườn dâu để lấy thức ăn nuôi tằm.

Anh Phan Dũng Sỹ cho biết: Ý tưởng về việc trồng dâu nuôi tằm đã được ấp ủ khá lâu, từ khi tôi còn đang đi làm, thấy nhiều nơi, đặc biệt là ở tỉnh Lâm Đồng, người dân làm nghề này cho thu nhập cao nên tôi cũng muốn thử sức. Nhưng đến đầu năm 2023, sau khi tham quan, học tập nhiều mô hình tại các tỉnh, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do các công ty mở, nghiên cứu kỹ thị trường, so sánh về hiệu quả kinh tế giữa việc trồng dâu, nuôi tằm với các hướng đi khác tôi mới quyết định đầu tư trồng dâu, nuôi tằm. Sau hơn 4 tháng trồng dâu, nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, cây dâu phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch lá. Sau khi có nguồn thức ăn ổn định, tôi mua giống tằm về nuôi. Ban đầu tôi chỉ dám nuôi thử 2 hộp tằm giống, rồi dần dần mới tăng số lượng tằm nuôi.

171502t%E1%BB%AB%20n%C4%83m%202023,%20anh%20S%E1%BB%B9%20%C4%91%C3%A3%20chuy%E1%BB%83n%20%C4%91%E1%BB%95i%20h%C6%A1n%203ha%20%C4%91%E1%BA%A5t%20tr%E1%BB%93ng%20cao%20su%20v%C3%A0%20c%C3%A2y%20ng%E1%BA%AFn%20ng%C3%A0y%20sang%20tr%E1%BB%93ng%20d%C3%A2u%20%C4%91%E1%BB%83%20nu%C3%B4i%20t%E1%BA%B1m

Từ năm 2023, anh Sỹ đã chuyển đổi hơn 3ha đất trồng cao su và cây ngắn ngày sang trồng dâu để nuôi tằm. Ảnh: TH

 

Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Sỹ nuôi 2 lứa tằm, mỗi lứa nuôi 5 hộp tằm giống. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, sau 15 ngày nuôi sẽ được thu, mỗi đợt  thu được khoảng 3,5 – 4 tạ kén, giá bán hiện nay vào khoảng 200.000 đồng/kg kén. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi tạ kén, anh Sỹ thu lời 10 triệu đồng, tức là mỗi tháng gia đình anh thu lời từ 70-80 triệu đồng. Ngoài ra, từ việc trồng việc trồng dâu, nuôi tằm, gia đình anh Sỹ còn góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động, thu nhập bình quân từ 7- 8 triệu đồng/tháng.

Anh Phan Dũng Sỹ cho biết: Qua quá trình nuôi tằm, tôi nhận thấy, loài vật này không quá khó nuôi, ít bệnh, nhưng sức đề kháng kém, rất nhạy cảm nhiệt độ, mùi lạ nên nhà nuôi cần phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Người xưa nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” nên người nuôi tằm cần phải tỉ mẩn, chịu khó, theo dõi sát sao để có quá trình sinh trưởng, phát triển của tằm để có điều chỉnh nhiệt độ không khí cho phù hợp.

Theo tính toán của một số hộ nuôi tằm, ban đầu, người dân cần bỏ vốn đầu tư bình quân khoảng 100 triệu đồng/ha trồng dâu cùng với nhà nuôi. Tuy nhiên, thời gian trồng dâu, nuôi tằm khá ngắn nên khả năng thu hồi vốn nhanh. Ngoài ra, khi việc nuôi tằm ổn định, người nuôi có thể tận dụng phân tằm đã qua xử lý để bón cho cây dâu nên chi phí sản xuất giảm xuống, nhờ đó thu nhập cũng cao hơn.

Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có trên 10 hộ gia đình đang triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm.

171529anh%20S%E1%BB%B9%20gi%E1%BB%9Bi%20thi%E1%BB%87u%20v%E1%BB%81%20l%E1%BB%A9a%20k%C3%A9n%20chu%E1%BA%A9n%20b%E1%BB%8B%20cho%20thu%20

Anh Sỹ giới thiệu về lứa kén chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh: T.H

 

Ông Phan Thanh Nam- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở thành phố, giúp khai thác và phát huy hiệu quả quỹ đất, nguồn lao động phổ thông. Các hộ gia đình tùy vào khả năng, điều kiện đều có thể nuôi tằm, chỉ cần vài ba sào đất để trồng dâu, tận dụng nhà ở, nhà kho để làm nhà nuôi, một vài lao động thường xuyên làm việc. Nuôi tằm cũng khá linh hoạt, có thể chủ động thời gian, bận vụ mùa có thể dời lịch sang thời điểm khác, rất thuận lợi cho người nuôi. Nhưng so với nhiều loại cây trồng và ngành nghề khác thì trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, hiện nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên sản lượng kén tạo ra chưa nhiều, việc tiêu thụ kén phải qua khâu trung gian làm giảm lợi nhuận của người nông dân.

“Cùng với việc đồng hành, hỗ trợ người nuôi về kỹ thuật, Phòng Kinh tế thành phố tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng dâu nuôi tằm liên kết thành lập tổ hợp tác cùng nhau sản xuất, tạo ra sản lượng ổn định và kết nối thuận lợi với các doanh nghiệp cung ứng giống, tiêu thụ kén. Từ đó, giúp người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, từng bước mở rộng mô hình” – ông Phan Thanh Nam cho biết thêm.

Có thể nói, với hiệu quả kinh tế mà nghề trồng dâu, nuôi tằm mang lại giúp mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Kon Tum. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn, phát triển kinh tế hộ gia đình.       

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/huong-di-moi-trong-san-xuat-nong-nghiep-o-thanh-pho-kon-tum-44386.html