Giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục để tháo 'nút thắt' thừa, thiếu giáo viên

7

thanhnien.vn

Sáng 20.11, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, góp ý dự thảo luật Nhà giáo, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức nói, thực trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là giáo dục tiểu học, THCS, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đang ngày càng trầm trọng. Một trong những nguyên nhân cơ bản, theo ông Thức, là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì, không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục để tháo 'nút thắt' thừa, thiếu giáo viên- Ảnh 1.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Trần Văn Thức phát biểu sáng 20.10

Ông Trần Văn Thức cho biết, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định này chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của khối nhà giáo.

Cùng đó, theo Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, việc phân cấp tuyển dụng, sử dụng nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương cơ quan chuyên môn là phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên. Do đó, ngành GD-ĐT không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu độ ngũ môn học, cấp học và không chủ động điều tiết giữa giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.

“Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức giám sát. Địa phương không thể tuyển dụng được giáo viên, không thể tổ chức dạy học một số môn học”, ông Thức nêu rõ.

Từ đó, đại biểu Thanh Hóa bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với dự thảo những quy định giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo.

“Đây là là quy định rất quan trọng, có thể tháo gỡ ngay các vấn đề khó khăn ngày càng trầm trọng về thừa, thiếu giáo viên tại nhiều địa phương”, ông Thức nhấn mạnh.

Giao quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục để tháo 'nút thắt' thừa, thiếu giáo viên- Ảnh 2.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng nhà giáo

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cũng bày tỏ tán thành với đề xuất giao ngành giáo dục tuyển dụng, sử dụng viên chức. Ông phân tích, việc coi nhà giáo là viên chức đặc biệt trong hệ thống viên chức của Nhà nước là chính xác.

Cùng đó, việc trao quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho ngành giáo dục sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng giáo viên, đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần giải thích rõ thế nào là “người có trình độ cao”, “người có tài năng” trong quy định về các trường hợp đặc cách, ưu tiên tại dự thảo luật để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định…

Tương tự, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi), cũng phản ánh thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Việc tuyển dụng nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, thậm chí có những địa bàn không tuyển dụng được giáo viên.

Do đó, đại biểu Quảng Ngãi đề nghị cần có sự thống nhất đầu mối quản lý giáo dục, phân cấp, phân công hợp lý để tháo gỡ các nút thắt trong tuyển dụng và sử dụng nhà giáo.

Tại dự thảo luật, Chính phủ đề xuất giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Cùng đó, 2 bộ này cũng muốn được điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng giáo viên.

Hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, bao gồm cả giáo viên, giảng viên, được quy định chung tại luật Viên chức, thẩm quyền quản lý biên chế giáo viên thuộc ngành nội vụ.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/giao-quyen-tuyen-dung-cho-nganh-giao-duc-de-thao-nut-that-thua-thieu-giao-vien-185241120112426691.htm