Đất nước cần dồn lực phát triển, nhưng ngân sách eo hẹp

7

thanhnien.vn

Kết dư BHXH hơn 1,2 triệu tỉ đồng, sử dụng ra sao?

Nhắc đến “kỷ nguyên vươn mình”, đại biểu (ĐB) Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, mục tiêu năm 2025 đạt 500 tỉ USD GDP, đến năm 2035 nếu duy trì phát triển 7%/năm thì GDP sẽ tăng gấp đôi, khoảng 1.000 tỉ USD và năm 2045 là 5.000 tỉ USD. “Còn 10 năm nữa để chúng ta phấn đấu bước vào nước thu nhập cao, phá vỡ bẫy thu nhập trung bình. Song các công cụ về lao động, tái cơ cấu hay đầu tư phát triển lại chưa được quan tâm đúng mức”, ông Huân nêu và cho biết, tăng trưởng vẫn đang dựa vào động lực chính là đầu tư nước ngoài (FDI), sự bền vững của doanh nghiệp (DN) trong nước chưa có. Trong khi muốn phát triển bền vững phải dựa chính vào nguồn lực trong nước.

Đất nước cần phát triển bền vững giữa thách thức ngân sách eo hẹp - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Còn theo ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đất nước đang cần dồn lực cho phát triển, nhưng ngân sách rất eo hẹp. Ông đề nghị xem lại các quỹ tài chính nhà nước, tập trung vào định chế Bảo hiểm xã hội VN (BHXH). Theo Báo cáo số 647/BC-CP của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do T.Ư quản lý là khoảng 1,42 triệu tỉ đồng, trong đó chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ BHXH, Quỹ BH thất nghiệp và Quỹ BHYT, do BHXH VN quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.

Số dư quỹ cuối năm dự kiến khoảng 1,24 triệu tỉ đồng, tăng gần 5% (58.000 tỉ đồng) so cuối năm 2023, trong đó chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. “Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỉ đồng trên thế nào? Khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao? Theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan BHXH có được hoàn thành?”, ĐB Đồng nêu và cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được điều này.

Cho biết chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của BHXH là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ (ước tới cuối năm nay khoảng 1,2 triệu tỉ đồng), ĐB Đồng cho biết phần tài sản này chiếm tới cỡ 92% tổng nguồn vốn của BHXH. “Hiển nhiên có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường, nhưng chưa từng được các cơ quan hữu trách cũng như chính cơ quan BHXH nhận diện, đo lường và công bố”, ông Đồng nêu.

Một trong những hệ lụy của cung cách đầu tư vốn của BHXH xưa nay là làm méo mó thị trường trái phiếu Chính phủ, làm giá cả trên thị trường này không phản ánh đúng tương quan cung – cầu thực về trái phiếu. Bên cạnh đó, có nhiều hệ lụy khi lượng tồn dư ngân quỹ quốc gia đang có xu hướng ngày càng phình to. Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước bình quân tại hệ thống ngân hàng (NH) giai đoạn 2017 – 2019 chỉ quanh cỡ 300.000 đến 500.000 tỉ đồng, thì sang giai đoạn hậu Covid-19 đã tăng lên nhanh, có lúc xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng. Sự tồn dư ngân quỹ lớn chủ yếu do công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách bị trì trệ những năm qua, trong khi công tác cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn chưa thực sự tối ưu. Do đó, ông Đồng đề nghị Quốc hội (QH), Chính phủ rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn này một cách tốt nhất.

Giải trình, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết 1,24 triệu tỉ đồng số dư quỹ BHXH đang nắm là “dư trên sổ sách, dùng để trả lương tháng cho những người hưu trí”. Theo ông, đây không phải số dư trên tài khoản tiền gửi, 80% số đó được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, còn lại 20% đầu tư gửi ở các NH thương mại (NHTM), chủ yếu là 5 NHTM nhà nước do sợ rủi ro.

“Chính phủ huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ, như năm ngoái QH giao chúng tôi huy động 400.000 tỉ, đến nay thu được 268.000 tỉ đồng, khoản chi này cơ bản đầu tư vào các công trình giao thông hiện nay”, ông Phớc nói. Đặc biệt, theo Phó thủ tướng, “nếu buông BHXH cho đầu tư vào dự án này nọ rất rủi ro và thực tế đã có rủi ro. Các nước cũng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ”.

Tự chủ bệnh viện, nhưng bệnh nhân trả… lãi vay

Cho rằng đầu tư cho giáo dục, y tế dường như mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công, ĐB Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách QH, dẫn báo cáo năm 2024 Bộ Y tế chỉ được phân bổ 1.200 tỉ đồng (chiếm 1%), Bộ GD-ĐT được phân bổ 1.500 tỉ đồng (chiếm 1,2%). Năm 2025, tổng ngân sách 148.000 tỉ, Bộ Y tế được phân bổ 5.700 tỉ đồng, chiếm 3,6%; Bộ GD-ĐT được phân bổ 2.900 tỉ đồng, chiếm 1,9%.

Đất nước cần phát triển bền vững giữa thách thức ngân sách eo hẹp - Ảnh 2.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

“Chúng ta nói rất nhiều bệnh viện (BV), trường ĐH phải thúc đẩy cơ chế tự chủ, nhưng chúng ta mới chỉ thúc các đơn vị này tự chủ mà không đầu tư cơ sở vật chất”, ông Cường nói. ĐB này cũng cho biết mới đây ông đến thăm BV đa khoa và BV Sản – Nhi Phú Thọ đã tự chủ, “đẹp như khách sạn 5 sao”. Nhưng lãnh đạo BV trăn trở, lo lắng làm sao để trả lãi suất 11% vốn vay để xây dựng BV.

“Đây là điều vô lý vì bệnh nhân không chỉ trả dịch vụ y tế mà trả cả lãi suất NH”, ông Cường nêu và cho rằng đây là nguyên nhân khiến các BV lớn T.Ư không dám nhận tự chủ. Tương tự với các trường ĐH, nếu đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị khang trang, sinh viên học rất tiện nghi. Nhưng nếu trường phải vay đầu tư cơ bản thì phải gánh lãi suất NH, chi phí cho đào tạo rất cao.

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, có các mức tự chủ tài chính như tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên… Một số BV như Bạch Mai, K, vừa rồi phải quay lại xin tự chủ một phần và được Chính phủ đồng ý; phần đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất vẫn là ngân sách để đảm bảo hỗ trợ tuyến cuối, phục vụ thăm khám, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

Về tiết kiệm chi thường xuyên, năm nay Chính phủ đã trình giảm tiết kiệm chi thường xuyên của cả nước là 7.000 tỉ đồng, trong đó 2.000 tỉ đồng ở ngân sách T.Ư và 5.000 tỉ đồng ở ngân sách địa phương.

Tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cấp tướng: 60 hay 62?

Sáng 5.11, QH thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan QĐND VN. Dự thảo luật đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội ở hầu hết cấp bậc quân hàm, từ 1 – 5 tuổi. Trong đó, cấp úy lên 50 tuổi, thiếu tá 52 tuổi, trung tá 54 tuổi, thượng tá 56 tuổi, đại tá 58 và cấp tướng là 60 tuổi (không phân biệt nam, nữ).

Nhiều ĐB đồng tình với việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội. ĐB Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề xuất xem xét tăng thêm tuổi tại ngũ đối với cấp đại tá và cấp tướng, nhằm bảo đảm thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong bộ luật Lao động. Theo ông Nghĩa, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số, trong khi đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sĩ quan này trong thời bình hiện nay. ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì đề nghị kéo dài tuổi tại ngũ của sĩ quan quân đội, nhưng không quá 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ.

Giải trình nội dung trên, đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho hay do đặc thù riêng trong công tác tổ chức, chỉ huy trong quân đội, ông mong QH cho phép giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan cấp tướng như trong dự thảo đề xuất là 60 tuổi.

Cần cơ chế riêng với khoáng sản chiến lược

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Địa chất và khoáng sản. ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho hay, dự thảo chia khoáng sản thành 4 nhóm, trong đó nhóm 1 là kim loại và năng lượng, gồm nhiều loại khoáng sản chiến lược quan trọng như đất hiếm, titan, băng cháy… Đây là những khoáng sản có vai trò rất quan trọng, phục vụ việc chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn, xe điện, hàng không quân sự…, thế nhưng lại chưa có quy định riêng mà chỉ “nằm chung” nhóm với các loại khoáng sản khác.

Ông Nghĩa đề nghị cần có danh mục khoáng sản chiến lược quan trọng và đặc biệt quan trọng; đồng thời việc thăm dò, khai thác, thu hồi phải do Thủ tướng quyết định. Như ở một số nước, chính phủ có thể can thiệp không cho chuyển nhượng khi ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài, chủ quyền, an ninh quốc gia.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/dat-nuoc-can-don-luc-phat-trien-nhung-ngan-sach-eo-hep-185241105231550376.htm