Ðiểm tựa cho người lầm lỗi

7

baokontum.com.vn

Đó là một căn nhà lợp tôn khá khang trang ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), xung quanh là ao cá, chuồng nuôi heo, vườn cà phê xanh mướt.

Nếu không được giới thiệu trước, tôi sẽ không thể hình dung ra cơ ngơi này được một người từng phải chấp hành án phạt tù tạo dựng nên sau 5 năm hoàn lương.

Chủ nhà tên T., là một thanh niên còn khá trẻ, trải lòng với tôi về cuộc sống trước kia và hiện nay: Em từng chịu án 18 tháng tù giam với tội danh Cố ý gây thương tích. Những ngày thụ án tại Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai), em cố gắng cải tạo, lao động thật tốt với khát khao hoàn lương.

Sau khi mãn hạn tù, trở về nhà, em mặc cảm, tự ti lắm. Mặc dù được gia đình động viên, nhưng em vẫn cứ ru rú ở nhà, không dám tiếp xúc với ai.

Chính lúc ấy, sự quan tâm của chính quyền địa phương, các đoàn thể, và nhất là mọi người xung quanh đã giúp em lấy lại niềm tin. Các anh công an xã, cán bộ xã, thôn thường qua lại khuyên bảo, động viên em vươn lên- T. xúc động nói.

163207Can%20ph%E1%BA%A1m%20nh%C3%A2n%20h%E1%BB%8Dc%20t%E1%BA%ADp,%20lao%20%C4%91%E1%BB%99ng%20t%E1%BA%A1i%20Tr%E1%BA%A1i%20t%E1%BA%A1m%20giam%20C%C3%B4ng%20an%20t%E1%BB%89nh

Can phạm nhân học tập, lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ảnh: H.L

 

Được bố mẹ cho 1ha đất đồi, vợ chồng T. vay tiền đầu tư trồng cà phê. Để giảm chi phí, vợ chồng tự làm hết, không thuê mướn nhân công. Sau đó, T. được vay tiền từ Quỹ an ninh trật tự của tỉnh mua heo giống để phát triển chăn nuôi.

T. còn khai hoang đất gần các khe suối để trồng lúa. Dần dà, cuộc sống cũng ổn, chưa giàu nhưng không nghèo nữa. Đặc biệt là T. đã cho thấy quyết tâm làm lại cuộc đời, rời xa đám bạn bè xấu, bỏ rượu.

Không chỉ vậy, T. rất nhiệt tình tham gia công tác đoàn thanh niên trong thôn. Nhất là vận động những thanh niên ham chơi trong thôn chí thú làm ăn, lập thân lập nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Nghe chuyện, tôi rất trọng cách T. đứng dậy. Mà phải nói là, từ trước đến nay, tôi rất trọng những người từng vấp ngã, từng vào vòng lao lý nhưng sau đó biết quyết tâm sửa chữa, đoạn tuyệt với sai lầm quá khứ. Đồng thời nỗ lực đứng dậy, vượt qua mặc cảm, tự ti; tích cực hòa nhập cộng đồng.

Tôi lại càng trọng hơn những người đã sẵn lòng giúp đỡ họ, đưa tay ra để họ nắm lấy, cho họ thêm điểm tựa để từng bước, từng bước trở thành người có ích.

Bởi phải nhìn nhận một thực tế rằng, không ít người vẫn còn bị ảnh hưởng, thậm chí bị chi phối bởi định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù, và thể hiện sự kỳ thị ấy qua lời nói và hành động.

Có lần, tôi vô tình được “dự” một cuộc “tuyển nhân viên bảo vệ” của anh bạn là chủ doanh nghiệp. Theo cách nhìn của tôi, thanh niên dự tuyển “khá ổn”. Nhưng khi anh thanh niên ra về, một người trong ban giám đốc nhận xét một câu “cậu này mới chấp hành xong án tù”.

Ngay lập tức, câu nói ấy đã kéo sập cánh cửa làm việc của anh thanh niên. Bởi nó kéo theo bao hoài nghi khác: Một người mới chấp hành xong án tù có đáng tin không? Có chịu khó làm việc không? Liệu có “ngựa quen đường cũ không”?

Tất nhiên, không thể lấy một câu chuyện ra để phủ nhận những nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Càng không thể phủ nhận được sự quan tâm giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người  lầm lỗi làm lại cuộc đời của gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tính từ tháng 6/2020 đến tháng 8/2024, tổng số người tái hòa nhập cộng đồng của tỉnh là 1.797 người. Hiện nay đang quản lý 644 người chưa xóa án tích.

Với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, người chấp hành xong án phạt tù đã và đang có được điểm tựa vững chắc để tái hòa nhập cộng đồng thành công.

Nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác tái hòa nhập cộng đồng đã được nâng lên rõ rệt. Sự quan tâm, nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với người trong diện tái hòa nhập cộng đồng cởi mở hơn.

Các biện pháp hỗ trợ người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng ngày càng cụ thể, ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm. Nhiều mô hình hiệu quả được duy trì, nhân rộng.

Số người được giới thiệu việc làm, được vay vốn đào tạo nghề hàng năm tăng cao; nhiều người đã có việc làm, thu nhập ổn định đủ nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.

Từ đó bản thân người chấp hành xong án phạt tù cũng tự tin, bớt mặc cảm, lỗi lầm, tự tìm kiếm việc làm, tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Hỗ trợ sinh kế cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: HL

 

Với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tái hòa nhập cộng đồngcho người chấp hành xong án phạt tù, ngày 18/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký Quyết định số 681/QĐ-UBND ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2025-2030”.

Hàng loạt giải pháp sẽ được triển khai, như chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng; bảo đảm thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước trên diện rộng và cho cả trường hợp cá biệt.

Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Phát huy vai trò các lực lượng ở cơ sở trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp với từng nhóm đối tượng và hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp, dạy nghề, tìm kiếm việc làm.

Xây dựng chính sách khuyến khích của tỉnh đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

Và quan trọng nhất, mỗi chúng ta hãy luôn sẵn lòng tham gia tạo điểm tựa cho họ vươn lên!      

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/%C3%B0iem-tua-cho-nguoi-lam-loi-43630.html