Để rừng thêm xanh

5

baokontum.com.vn

Để giữ cho những cánh rừng mãi thêm xanh, những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia trồng, nhận khoán, đồng thời, thực hiện đầy đủ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân yên tâm, nâng cao trách nhiệm, tích cực tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng.

Tỉnh ta hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 780.530,86 ha, diện tích có rừng 616.123,37 ha (552.287,28 ha rừng tự nhiên, 63.836,09 ha rừng trồng), độ che phủ rừng là 63,69%. Để bảo vệ những cánh rừng, công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh luôn được các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện và đến nay, đã giao 74.868,163 ha cho 4.051 hộ gia đình và 166 cộng đồng quản lý, bảo vệ. Chỉ riêng năm 2024, các đơn vị chủ rừng đã thực hiện khoán bảo vệ rừng tổng cộng 138.869,97 ha cho 8 tổ chức, 312 cộng đồng, 123 nhóm hộ và 22 hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chính sách về giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã góp phần chuyển từ một nền lâm nghiệp nhà nước sang một nền lâm nghiệp xã hội hóa, qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ rừng, tạo sinh kế, thu nhập, cải thiện đời sống. Đặc biệt, đồng bào DTTS gắn bó với rừng được hưởng lợi từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và nguồn lợi phát triển dược liệu dưới tán rừng. Mặt khác, việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng giúp giảm áp lực về công tác bảo vệ rừng cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng do các lực lượng này còn quá mỏng so với địa bàn được giao quản lý.

161203ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20TMR%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c%20tham%20gia%20tr%E1%BB%93ng%20r%E1%BB%ABng

Người dân Tu Mơ Rông tích cực tham gia trồng rừng. Ảnh: H.N

 

Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thời gian qua, các cộng đồng dân cư, hộ gia đình đã đồng lòng, chủ động trong việc quản lý rừng đối với diện tích rừng được giao, khoán quản lý, bảo vệ. Thông qua các quy ước, hương ước bảo vệ rừng của cộng đồng, các hoạt động tuần tra bảo vệ rừng dưới sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên đã hạn chế tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, diện tích và khối lượng), góp phần tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, việc thực hiện công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả nhất định, chính sách giao rừng, khoán bảo vệ rừng đã tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, hướng đến mục tiêu chung là rừng phải có chủ thật sự và chủ rừng phải sống được bằng nghề rừng.

Đến xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông) thời điểm này, chúng tôi bắt gặp người dân đang tập trung chăm sóc rừng thông ở những quả đồi trước xã. Những cây thông được trồng khoảng 3 tháng trước, nay phát triển mạnh, ngọn xanh mơn mởn.

Ông A Phen (thôn Kon Pia) cho biết, trước đây bà con trồng mì, tuy nhiên đất bạc màu, năng suất không cao. Cách đây 3 tháng, người dân liên kết trồng khoảng 1ha thông. Mục đích để phủ xanh đồi trọc, trồng dược liệu dưới tán rừng, hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng. Hiện người dân đang ra sức chăm sóc, chờ ngày hưởng lợi từ việc trồng rừng.

Theo ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà, những năm qua, từ các nguồn lực khác nhau, xã đã vận động nhân dân trồng rừng. Từ đầu năm đến nay đã trồng được 35ha rừng tập trung và 50ha rừng phân tán. Thời gian sắp tới, xã sẽ tiếp tục rà soát những diện tích đảm bảo điều kiện để tiếp tục trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng.

161228ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20M%C4%83ng%20Ri%20h%C6%B0%E1%BB%9Fng%20%E1%BB%A9ng%20tham%20gia%20t%E1%BB%95ng%20r%E1%BB%ABng,%20tr%E1%BB%93ng%20c%C3%A2y%20ph%C3%A2n%20t%C3%A1n%20(1)

Người dân Măng Ri hưởng ứng tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán. Ảnh: HN

 

Còn Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Võ Trung Mạnh trong nhiều lần trò chuyện, trao đổi với chúng tôi luôn khẳng định rằng, trong định hướng phát triển của địa phương, trồng dược liệu và phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn dược liệu sẽ giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế. Hai hướng phát triển này đều gắn liền với rừng, nghĩa là phải có rừng mới trồng được dược liệu và làm du lịch sinh thái.

Do đó, huyện xác định phải bảo vệ diện tích rừng hiện có, đồng thời vận động người dân tích cực tham gia trồng để nhân rộng diện tích rừng. Để hỗ trợ người dân phát triển rừng, ngoài nguồn vốn trồng rừng, huyện còn kêu gọi xã hội hóa cây giống để cấp phát miễn phí cho dân. Các khu rừng cũng được huyện giao cho cộng đồng quản lý chặt chẽ. Người dân thấy được lợi ích của rừng trong việc phát triển sinh kế nên ra sức gìn giữ.

Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững có tổng vốn đầu tư 155 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai các hạng mục như: tiến hành trồng mới 670ha rừng; xác định ranh giới rừng với tổng chiều dài 2.992km; cắm 9.150 mốc bổ sung ranh giới rừng. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp tại 4 đơn vị là Ban Quản lý rừng đặc dụng Đăk Uy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Glei, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham.

Các đơn vị này sẽ được đầu tư sửa chữa nhà làm việc, đầu tư xây mới các trạm bảo vệ rừng, xây dựng chòi canh lửa, sửa chữa bể nước phòng cháy chữa cháy. Tỉnh đã giao Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư dự án, thực hiện trong 4 năm, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng. Đây là việc làm thiết thực thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, qua đó, giúp giữ cho những cánh rừng mãi thêm xanh.       

Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức trồng mới rừng 2.590ha đạt 86,3% kế hoạch, bằng 72% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm làm tốt công tác bảo vệ rừng. 

Hà Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/de-rung-them-xanh-43516.html