Lên núi nuôi cá tầm, người đàn ông thu về bạc tỉ

23

thanhnien.vn

Sau nhiều năm đến các tỉnh, thành để tìm hiểu, anh Nguyễn Bá Tấn (39 tuổi, quê ở Hà Nội) phát hiện tại huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum) có điều kiện khí hậu phù hợp để nuôi cá tầm. Nơi đây có độ cao từ 1.000 – 2.300m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm khoảng 20 độ C.

Lên núi nuôi cá tầm, người đàn ông thu về bạc tỉ- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Bá Tấn tìm lên huyện miền núi Tu Mơ Rông (Kon Tum) để nuôi cá tầm

Nguồn nước phù hợp với cá tầm

Năm 2023, sau thời gian khảo sát, anh Tấn quyết định đến xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) đầu tư 22 bể nuôi cá tầm với quy mô trên 3.000 m2. Tận dụng nguồn nước suối Siu Puông, anh Tấn đầu tư hệ thống kênh dẫn nước từ đầu nguồn con suối vào hệ thống ao nuôi.

Trang trại nuôi cá được xây bằng xi măng kiên cố, nhà chứa, bồn để ươm cá tầm bột, hệ thống dẫn lọc và cấp thoát nước…, với tổng vốn đầu tư khoảng 40 tỉ đồng. Anh Tấn đặt mua cá tầm giống từ Lâm Đồng với giá hơn 5.000 đồng/con. Do có kinh nghiệm nuôi cá tầm nhiều năm nên anh không gặp phải nhiều khó khăn trong kỹ thuật chăm sóc.

Theo anh Tấn, tại xã Đăk Na có khí hậu thuận lợi, dòng suối Siu Puông rất tinh khiết, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá tầm. Để cá không bị bệnh, người nuôi cần đảm bảo môi trường nước sạch sẽ, dòng nước chảy liên tục, đồng thời phải kiểm soát nhiệt độ trong ao luôn từ 21 – 23 độ C. Ngoài ra, cá cần được tiêm phòng các loại bệnh thường gặp.

“Cá tầm cũng thường bị ghẻ do một số loại nấm gây ra hoặc bị bệnh đường ruột do nhiễm khuẩn. Khi mắc bệnh, cá có xu hướng bơi chậm, kém ăn, xuất hiện lở loét… Để phòng bệnh, cần nuôi cá với mật độ thích hợp, kích thước đồng đều. Đối với mỗi loại bệnh cần có từng loại thuốc phù hợp để chữa trị”, anh Tấn nói.

Lên núi nuôi cá tầm, người đàn ông thu về bạc tỉ- Ảnh 2.

Trang trại nuôi cá tầm của anh Tấn đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương

Ở mỗi ao, anh Tuấn đều thiết kế dòng nước vào ra riêng biệt để đảm bảo lượng nước sạch nhất vào trong ao và tránh lây lan dịch bệnh. Trong mỗi ao, anh Tuấn nuôi khoảng từ 2.000 – 2.500 con cá tầm.

“Tôi đã đã đi nhiều nơi như Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đăk Lắk và nhận thấy cá tầm phát triển ở vùng núi Kon Tum tốt hơn hẳn vì rừng đầu nguồn của Kon Tum vẫn còn giữ được nhiều. Chất lượng nước ở đây tốt hơn so với các tỉnh khác nên cá tầm sẽ phát triển hơn các địa phương khác”, anh Tấn nói.

Hướng đến thành lập hợp tác xã nuôi cá tầm

Mỗi lứa cá tầm được anh Tấn chăm sóc trong khoảng 10 tháng, trọng lượng đạt khoảng 2 kg/con, sẽ bắt đầu cung ứng ra thị trường. Trong năm nay, trang trại của anh Tấn đã xuất bán hơn 100 tấn cá tầm với giá 170.000 đồng/kg, anh Tấn thu về khoảng 17 tỉ đồng. Không chỉ phát triển kinh tế, trang trại của anh Tấn còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ trên địa bàn.

“Trong thời gian tới, nếu được chuyển đổi thêm mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thủy sản, tôi sẽ mở rộng quy mô trang trại lên khoảng 500 tấn cá tầm mỗi năm. Hy vọng với mô hình này sẽ giúp người dân bản địa thay đổi nếp nghĩ cách làm và phát triển kinh tế tại địa phương”, anh Tấn nói.

Lên núi nuôi cá tầm, người đàn ông thu về bạc tỉ- Ảnh 3.

Trong thời gian tới, anh Tấn dự định sẽ mở rộng mô hình lên khoảng 500 tấn cá tầm mỗi năm

Ông A Dũng, Chủ tịch UBND xã Đăk Na, cho biết mô hình nuôi cá tầm của anh Nguyễn Bá Tấn bước đầu đã cho thấy hiệu quả và thu nhập cao, giải quyết được công ăn, việc làm tại địa phương. Địa phương rất mong muốn trong thời gian đến mà các cấp các ngành từ tỉnh, huyện có chủ trương giúp cho xã tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình này.

“Không chỉ doanh nghiệp triển khai mà phải mở rộng ra đối với các hộ dân trên tinh thần doanh nghiệp làm trước rồi người dân làm theo. Từ đó, thành lập hợp tác xã nuôi cá tầm giúp cho kinh tế tại địa phương mỗi ngày một phát triển”, ông Dũng nói.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/len-nui-nuoi-ca-tam-nguoi-dan-ong-thu-ve-bac-ti-185241012153445493.htm