baokontum.com.vn
Trong 2 ngày vừa qua (4-5/10), giữa không gian huyền ảo, lung linh dưới mái nhà Rông Kon Klor, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), các tiết mục tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS thành phố Kon Tum lần thứ II, năm 2024 diễn ra sôi nổi. Qua đó, góp phần tạo nên “bức tranh văn hóa đa sắc màu”, hấp dẫn và để lại ấn tượng đẹp đối với những người đến đây thưởng thức.
Ngay sau Lễ khai mạc diễn ra vào tối 4/10, hàng trăm nghệ nhân dân gian bước vào các phần thi với tinh thần hào hứng, phấn khởi, tạo nên không khí sôi động, rộn ràng âm thanh, sắc màu văn hóa.
Mỗi phần thi diễn ra chỉ khoảng 30 phút nhưng được các đội “gói ghém” để thể hiện được nhiều nội dung đặc sắc, dẫn dắt công chúng đắm chìm vào “không gian kể chuyện”, diễn biến qua nhiều phân đoạn, tình tiết hấp dẫn, đậm bản sắc các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Gié- Triêng… do các “đạo diễn nghệ thuật dân gian” các DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum tham dự Hội thi sắp đặt, dẫn dắt một cách khéo léo, tài hoa.
Là một trong những đội dự thi sau Lễ khai mạc, đoàn nghệ nhân thôn Kon Hơngo Kơtu (xã Vinh Quang) tạo ấn tượng sâu sắc với việc tái hiện cảnh sinh hoạt đời thường của bà con Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na). Qua đó, khắc họa rõ nét chân dung những người con của núi rừng Tây Nguyên thật thà, chất phác, gần gũi trong cuộc hàng ngày, khiến người xem rất ấn tượng, không thể rời mắt khỏi từng động tác biểu diễn.
Các nghệ nhân thi chỉnh chiêng bên trong nhà Rông Kon Klor. Ảnh: HT
Đó là hình ảnh những người đàn ông Rơ Ngao với áo cánh tay cụt, cổ xẻ để hở ngực, đóng khố ra sức săn bắn, hái lượm, chế tác cung, nỏ; người đàn bà Rơ Ngao duyên dáng, thùy mị với màu da nâu, mặc áo cộc tay, ngực kín, váy dài chăm chỉ mò cua, bắt ốc, dùng rổ rá xúc cá, bắt ếch để có thức ăn hàng ngày. Hoặc cảnh lên nương rẫy, trỉa lúa, trồng bắp, chèo thuyền độc mộc qua sông, đan lát, dệt thổ cẩm, các em nhỏ điệu em ru em trên lưng cho ba mẹ đi làm.
Người xem đặc biệt ấn tượng với phần tái hiện Lễ hội mừng đại đoàn kết, mừng đất nước giành chiến thắng và đón các anh bộ đội Tiểu đoàn 304 trở về làng của đoàn nghệ nhân thôn Kon Hơngo Kơtu. Nghệ nhân Y Bé gây xúc động mạnh với người xem- Y Bé trong vai người lớn tuổi, có uy tín tại làng, hô hào bà con nổi trống, chiêng, mổ thịt thết đãi, chung vòng xoang mừng các anh bộ đội bình an trở về.
Nghệ nhân Y Bé chia sẻ: Qua tiết mục tôi muốn gửi gắm đến mọi người, nhất là lớp trẻ phải biết yêu quý hòa bình độc lập, tích cực bảo tồn văn hóa truyền thống. Đặc biệt là, phải đoàn kết, yêu thương nhau, luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu thì mới có cuộc sống hòa bình, ấm no hạnh phúc.
Các phần thi nối tiếp nhau với những tiết mục hấp dẫn, cuốn hút đã tạo ra không khí hối hả, mong chờ, liên tục đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc. Theo thứ tự bốc thăm, 17 đội nghệ nhân tiêu biểu đại diện cho các địa phương lần lượt tranh tài ở nhiều nội dung thi kết hợp với cồng chiêng múa xoang như: tái hiện lễ hội truyền thống, đàn hát dân ca, kỹ thuật chỉnh chiêng, trình diễn các loại nhạc cụ dân tộc…
Nghệ nhân A Thu- Đội nghệ nhân thôn Đăk Kia (xã Đoàn Kết) trong vai già làng tái hiện lễ hội “Mừng lúa mới” gây ấn tượng đặc biệt với người xem với sự sống động tự nhiên, chân thực. Trong không khí linh thiêng cùng với các đồ vật cúng tế như gà trống, heo, rượu ghè, cơm mới, măng le… già A Thu đứng trước cây nêu giữa nhà Rông, hai tay giang rộng hô to “Ơ Yang, báo cho các Yang về đây cùng ăn uống, cùng chung vui với dân làng, phù hộ cho dân làng được sống khỏe, mùa màng tươi tốt. Ông bà tổ tiên chứng kiến lòng thành, lễ vật của dân làng để phù hộ chúng con có sức khỏe như trâu, nhanh như sóc, bình an, có lúa dư dả ăn quanh năm không hết”.
Nghệ nhân A Thu chia sẻ: Lễ mừng lúa mới là lễ hội truyền thống lớn trong năm của người Gia Rai, thường được tổ chức vào những tháng cuối năm, khi đã kết thúc mùa vụ, lúa thóc về đầy kho. Lúc này, người Gia Rai làm Lễ mừng lúa mới để tạ ơn thần linh, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để dân làng quây quần, chia sẻ niềm vui, tăng sự đoàn kết, gắn bó. Vì là nghi lễ lớn nên chúng tôi chọn tham gia dự thi để quảng bá văn hóa truyền thống của làng, cũng như góp phần bảo tồn phát huy, không để mai một.
Tại Hội thi, người dân và du khách cũng rất ấn tượng với phần thi chỉnh âm cồng chiêng của các nghệ nhân. Bên trong nhà rông Kon Klor, các nghệ nhân như những bác sĩ lành nghề; với đôi bàn tay khéo léo và “đôi tai thính âm” các nghệ nhân hăng say “chữa bệnh” cho chiêng, đưa chúng trở về điệu âm thanh chuẩn, trầm bổng du dương. Phần thi tối đa 60 phút nhưng nhiều nghệ nhân đã xuất sắc hoàn thành bài thi sớm hơn quy định, khiến người xem không khỏi bất ngờ, thích thú.
Hội thi cũng gây ấn tượng với nhiều tiết mục dân ca mượt mà, sâu lắng kết hợp với nhạc cụ truyền thống, trang phục dân tộc lung linh sắc màu. Mỗi bài hát như một lời ru tâm tình, làm cầu nối giữa con người với thần linh để nói lên những ước vọng tốt đẹp trong cuộc sống của cộng đồng người DTTS.
Hội thi tạo sân chơi cho những nghệ nhân nhí trải nghiệm, học hỏi. Ảnh: HT
Em Y Chúc ở đoàn nghệ nhân thôn Kon Hra Ktu (xã Chư Hreng) gây ấn tượng với màn diễn tấu đàn t’rưng bài hát “Hơ Ren lên rẫy”, kết hợp với chiêng trống, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng nghe rất lạ tai, hấp dẫn người nghe.
Em Y Chúc bộc bạch: Với sự động viên của ông bà, em đã chọn cho mình bộ môn t’rưng để tập luyện và dự thi, qua đó thể hiện niềm đam mê với văn hóa truyền thống dân tộc Ba Na. Những âm điệu trong trẻo từ t’rưng giúp em thêm yêu cuộc sống, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học.
Các tiết mục dự thi đậm đà bản sắc văn hoá truyền thống tại Hội thi lần này tiếp tục tạo nên những hiệu ứng tích cực, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa, đóng góp vào việc bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS tại chỗ để phát triển du lịch bền vững trên địa bàn thành phố Kon Tum.
Hoàng Thanh
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/hoi-thi-cong-chieng-cua-thanh-pho-kon-tum-an-tuong-nhung-sac-mau-van-hoa-43289.html