thanhnien.vn
Theo kế hoạch giải ngân vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, tỉnh Kon Tum được giao trên 2.700 tỉ đồng. Trong đó ngân sách địa phương trên 1.000 tỉ đồng và ngân sách trung ương trên 1.600 tỉ đồng.
Đến hết tháng 7.2024, tỉnh Kon Tum mới giải ngân được 715 tỉ đồng
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 7.2024, tổng kế hoạch vốn năm 2024 tỉnh này đã giải ngân là 715 tỉ đồng, đạt 31,13%; còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, Kon Tum có tỷ lệ giải ngân đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đặc biệt, các dự án trọng điểm như dự án kè chống lũ lụt, sạt lở dọc sông Đăk Bla (đoạn qua TP.Kon Tum) có tổng mức đầu tư 205 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 5,7 tỉ đồng; dự án đường trục chính phía tây TP.Kon Tum có tổng mức đầu tư 353 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 9 tỉ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối H.Kon Plông (Kon Tum) với các H.Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư 232 tỉ đồng nhưng chỉ mới giải ngân được 12 tỉ đồng…
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Kon Tum, việc chậm trễ giải ngân vốn đầu tư xảy ra ở tất cả các giai đoạn, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện dự án. Vướng mắc chủ yếu liên quan việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn chậm. Quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định còn phức tạp, phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành nên mất nhiều thời gian.
Ngoài ra nhiều dự án vướng mắc chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù. Một trong những nguyên nhân khác là khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có 6 mỏ đất san lấp đấu giá thành công với tổng trữ lượng đã được phê duyệt là trên 13 triệu m3. Tuy nhiên, những mỏ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục và chưa thể khai thác.
Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 676 nối H.Kon Plông có tổng mức đầu tư 232 tỉ đồng nhưng mới chỉ giải ngân được 12 tỉ đồng
Bên cạnh đó, việc thu hồi đất để làm bãi thải cho dự án cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay chưa có quy định cụ thể việc này, từ trình tự, cách thực hiện và thẩm quyền sử dụng diện tích đất làm bãi thải sau khi dự án đã thi công hoàn thành.
Việc giải ngân vốn chậm đã làm nhiều công trình bị đình trệ, gây bức xúc dư luận. Trong khi đó, giá bồi thường về đất, vật kiến trúc, cây cối hoa màu thấp dẫn đến việc người dân hay kiến nghị và không đồng ý với phương án bồi thường được phê duyệt. Một số dự án có diện tích thu hồi đất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, nhưng không có xây dựng khu tái định cư và quỹ đất tái canh phục vụ nhu cầu về đất tái định cư, tái định canh cho các hộ bị thu hồi hết đất ở, nhà ở
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị, các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên. Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định.
UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Các sở quản lý chuyên ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm, chấn chỉnh đối với các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng công trình vi phạm về chất lượng, tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng công việc không đúng với hình thức hợp đồng….
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/du-an-353-ti-dong-sau-7-thang-moi-giai-ngan-duoc-hon-9-ti-dong-185240923081842453.htm