thanhnien.vn
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Từ 19 giờ tối 12.9 đến 8 giờ ngày 13.9, xảy ra mưa to ở một số địa phương như: Hiền Chung (Thanh Hóa) 71,8 mm, Ba Nam (Quảng Ngãi) 107,2 mm, Đăk Tơ Lung (Kon Tum) 102,8 mm, Mỹ Đức (Lâm Đồng) 78 mm, Bồng Sơn (Bình Định) 82,9 mm…
Ảnh mây vệ tinh cho thấy khả năng dải hội tụ nhiệt đới khu vực giữa Biển Đông có thể hình thành vùng áp thấp trong những ngày tới
Cảnh báo từ sáng 13 – 15.9, ở khu vực Tây nguyên, Nam bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40 – 80 mm, cục bộ có nơi trên 120 mm; thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.
Lũ sông Hồng rút chậm: Nhiều nơi nguy cơ ngập lụt vẫn kéo dài
Trên Biển Đông, ở vùng biển phía đông nam của khu vực bắc Biển Đông, khu vực giữa và nam Biển Đông bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và giông.
Ngày và đêm 14.9, vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía nam của khu vực giữa Biển Đông và khu vực nam Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 – 9; biển động mạnh và sóng biển cao 2 – 4 m.
Theo Th.S Lê Thị Xuân Lan, dải hội tụ nhiệt đới đi qua khu vực Trung bộ và giữa Biển Đông đang mạnh dần lên. Một số mô hình dự báo cho rằng khoảng ngày 15.9 có thể mạnh lên thành một vùng áp thấp ngay giữa Biển Đông. Cũng không loại trừ khả năng vùng áp thấp này tiếp tục mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Vùng áp thấp này chủ yếu di chuyển về khu vực ven biển miền Trung trong khoảng thời gian từ 19 – 20.9. “Đây mới chỉ là những dự báo sớm, trong những ngày tới khả năng còn có nhiều thay đổi, người dân, đặc biệt là ngư dân, nên chú ý theo dõi các bản tự dự báo tiếp theo để phòng tránh những rủi ro thiên tai”, bà Lan khuyến cáo.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/canh-bao-som-ve-vung-ap-thap-tren-bien-dong-18524091311561704.htm