Người dân làng Tum gìn giữ nghề đan lát truyền thống

26

baokontum.com.vn

Ở làng Tum (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) hiện nay có các nghệ nhân lớn tuổi tâm huyết và gìn giữ nghề đan lát truyền thống của người dân tộc Gia Rai. Các nghệ nhân tích cực truyền dạy nghề đan lát cho thế hệ trẻ và làm các sản phẩm từ đan lát để bán kiếm thêm thu nhập.

Theo sự giới thiệu của chính quyền xã Ya Ly, chúng tôi tìm về làng Tum để được gặp Bí thư Chi bộ thôn A Siu Quyết (SN 1960), già làng A Nhiểu (SN 1945) và ông A Jí (SN 1957). Đây là những nghệ nhân giàu nhiệt huyết gắn bó, giữ gìn nghề đan lát truyền thống của người Gia Rai ở làng Tum.

Theo già làng A Nhiểu, trước đây, làng Tum nằm bên bờ sông Sê San, ở khu vực gần thác Ya Ly. Người dân làng Tum sống hòa thuận, đoàn kết; những nghi lễ, phong tục của dân tộc Gia Rai được dân làng gìn giữ.

Sau này, khi nhà máy thủy điện Ia Ly được xây dựng, làng Tum chuyển về tái định cư ở khu vực trung tâm của xã Ya Ly.

Bí thư Chi bộ thôn A Siu Quyết nhớ rất rõ thời điểm làng Tum tổ chức di dời, tái định cư để phục vụ cho việc xây dựng nhà máy thủy điện.

095122NHUNGN~1

Những nghệ nhân ở làng Tum tích cực giữ gìn, phát huy nghề đan lát của người Gia Rai. Ảnh: Đ.T

 

Ông A Siu Quyết cho biết, vào ngày 22/12/1995, làng Tum tổ chức di dời về nơi ở mới. Thời điểm đó, làng Tum có 45 hộ dân chuyển về trung tâm xã Ya Ly để tái định cư, những hộ dân còn lại chuyển về huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) sinh sống.

“Khi gia đình tôi và các hộ dân di dời về nơi ở mới, nhà máy thủy điện Ia Ly và chính quyền địa phương hỗ trợ chúng tôi lập lại làng, xây dựng nhà rông mới để dân làng sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, đầu tư xây dựng 45 căn nhà ở và cấp cho mỗi hộ dân lương thực cùng 1 khu đất để sản xuất. Bên cạnh tài sản và các vật dụng phục vụ cho đời sống sinh hoạt hằng ngày, khi về nơi ở mới, chúng tôi mang theo các bộ cồng, chiêng, những người đàn ông thì cầm theo dụng cụ để đan lát, còn những người phụ nữ thì cầm theo dụng cụ để dệt thổ cẩm”- Bí thư Chi bộ thôn A Siu Quyết kể lại.

Nghệ nhân A Jí chia sẻ, thế hệ cha ông ở làng Tum luôn truyền dạy cho con cháu rằng, đàn ông Gia Rai trong làng phải biết đan lát mới lấy được vợ, đây là tiêu chuẩn bắt buộc của đàn ông trong làng. Vì thế, khi bước vào độ tuổi thanh thiếu niên, đàn ông trong làng đều phải học đan lát.

Nghệ nhân A Jí kể, từ khi làng Tum di dời, tái định cư đến nay đã gần 30 năm, hầu như đã thành thói quen, nghệ nhân A Jí và già làng A Nhiểu, Bí thư Chi bộ A Siu Quyết luôn duy trì việc đan lát hàng ngày, hàng tuần. Các dụng cụ để lấy các vật liệu trong rừng và chẻ nan, như dao, rựa, tuy đã cũ nhưng vẫn còn sử dụng tốt.

Theo các nghệ nhân, trong văn hóa của người Gia Rai ở làng Tum, các vật dụng làm từ đan lát, gồm gùi, rổ, nia, đơm, được làm từ các vật liệu có sẵn trong tự nhiên, đó là lồ ô, nứa, giang, mây và các loại cây rừng khác. Các vật dụng làm từ đan lát có hoa văn truyền thống của người Gia Rai và các màu sắc cơ bản, gồm đen, trắng, đỏ.

095147Ca%CC%81c%20va%CC%A3%CC%82t%20du%CC%A3ng%20%C4%91an%20la%CC%81t%20%C4%91u%CC%9Bo%CC%9B%CC%A3c%20la%CC%80m%20tu%CC%9B%CC%80%20va%CC%A3%CC%82t%20lie%CC%A3%CC%82u%20co%CC%81%20sa%CC%86%CC%83n%20trong%20tu%CC%9B%CC%A3%20nhie%CC%82n.

Các vật dụng đan lát được làm từ vật liệu có sẵn trong tự nhiên. Ảnh: ĐT

 

Cách chẻ nan, nhuộm màu cho nan và bảo quản nan sau khi chẻ, cách đan dây mây, đều là những bí quyết quan trọng mà người đàn ông Gia Rai phải nắm vững khi đan lát. Những bí quyết này mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện.

Đơn cử như, nan sau khi chẻ nếu không sử dụng phải cất ở nơi khô ráo, sau này muốn sử dụng lại phải ngâm trong nước để nan có độ dẻo dai, không bị gãy. Hay như, để nhuộm màu đen cho nan, phải vào rừng lấy cành cây sao xanh đem về nhà phơi khô rồi đốt. Sau đó dùng nồi đất úp lên đống củi cành cây sao xanh đang cháy để lấy muội than. Cuối cùng, lấy mủ của cây sung trộn đều với muội than để tạo thành dung dịch nhuộm màu đen cho nan.

Già làng A Nhiểu cho biết, các nghệ nhân mất hơn 1 tuần để hoàn thành việc đan 1 chiếc gùi lớn. Còn các dụng cụ, như nia, rổ, đơm, các nghệ nhân chỉ cần 3-4 ngày là đan xong 1 dụng cụ.

“Nia, rổ, đơm, chúng tôi đan quanh năm. Còn những chiếc gùi lớn, chúng tôi đan vào tháng 7 hoặc tháng 8, thời điểm trước khi dân làng bước vào mùa thu hoạch nông sản”- già làng A Nhiểu nói.

Để gìn giữ nghề đan lát truyền thống của dân tộc, những nghệ nhân lớn tuổi trong làng Tum luôn tích cực truyền dạy nghề cho thế hệ con, cháu trong gia đình và chịu khó đan lát các vật dụng để bán kiếm thêm thu nhập.

Các nghệ nhân ở làng Tum còn tham gia lớp tập huấn về nghề đan lát do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức và tham gia giảng dạy tại lớp truyền dạy nghề đan lát các vật dụng do UBND xã Ya Ly phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sa Thầy tổ chức.

Các nghệ nhân ở làng Tum tâm sự, hiện nay, làng Tum có 108 hộ dân. Các hộ dân trong làng vẫn đang sử dụng các vật dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày hầu hết là các sản phẩm đan lát do người dân tự làm ra. Thế hệ trẻ trong làng, nhất là các cháu học sinh đã quan tâm hơn đến nghề đan lát. Vì vậy, chắc chắn rằng, nghề đan lát truyền thống của người Gia Rai ở làng Tum tiếp tục được bảo tồn và phát huy.      

Đức Thành


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/nguoi-dan-lang-tum-gin-giu-nghe-dan-lat-truyen-thong-42677.html