thanhnien.vn
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng vì hoàn cảnh thời cuộc lúc bấy giờ và hoàn cảnh của gia đình nghèo nên tôi không biết gì ngoài vài hình ảnh trong ký ức ở quê nội Bồng Sơn (Bình Định), quê ngoại Lái Thiêu (Bình Dương) và Sài Gòn. Một cảm giác thiếu vắng trong tôi.
Núi non miền Bắc
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Khi quyết định về hưu ở Việt Nam để có cơ hội phát triển hai dự án mà tôi tâm huyết, một là môn thể dục mới có tên KiDao dựa trên các nền tảng khoa học hiện đại; và hai là xây dựng một hệ thống quản lý học tập giúp các trường đại học và cao đẳng chuyển đổi số, tôi cho rằng không có gì hay hơn là đánh dấu chương sử mới trong cuộc đời của mình bằng chuyến đạp xe xuyên Việt từ điểm cực bắc Lũng Cú, Hà Giang đến điểm cực nam Đất Mũi, Cà Mau để khám phá quê cha đất mẹ.
Quyết định thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt khi tuổi đã trên 60 và mắc bệnh tiểu đường loại 2 là một thách thức lớn, nhất là khi gia đình tôi có tiền sử bệnh tim. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình vì nhận ra nếu không bây giờ thì sẽ không bao giờ.
TRÙ PHÚ CẢNH QUAN
Hè 2022, khi đứng tại cột mốc cực bắc nhìn qua hàng rào biên giới với Trung Quốc xa xa, ngoài trời thì mưa, lòng tôi dâng lên một cảm xúc bùi ngùi thật khó tả. Trong đầu dấy lên một suy nghĩ “không biết bao nhiêu người đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này?”.
Tác giả tại đất mũi Cà Mau trên hành trình đạp xe xuyên Việt
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Tác giả đã thực hiện thành công hành trình đạp xe xuyên Việt khám phá vẻ đẹp đất nước
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Đạp xe trong mưa trên đường Trường Sơn ở miền Trung
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Hành trình qua Hà Giang nơi có những ngọn núi cao hùng vĩ và đường đèo quanh co có nhiều nơi độ dốc trên 15% như muốn thử thách ý chí của ông già U.70 trong những ngày đầu tiên để xem khi nào ông ấy sẽ bỏ cuộc. Hà Giang còn có những con đường làng nhỏ cheo leo vắt ngang lưng chừng núi nối liền các bản làng người dân tộc với những cái cua cùi chỏ gắt mà chỉ người bản địa mới dám chạy xe máy.
Nét hùng vĩ của non nước đã làm tôi lặng người lúc đạp trên đường Trường Sơn khi nhìn chung quanh chỉ có núi non hay băng qua khu rừng bảo tồn nguyên sinh ở phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế với những cây cổ thụ cao sừng sững hòa trong tiếng gió, tiếng chim hót, tiếng vượn hú, tiếng suối róc rách chảy.
Những âm điệu ấy như một bài nhạc giao hưởng cùng với cảnh trí hai bên đường trong sương mù và nét lạnh của rừng núi trong sáng sớm giúp tôi hòa quyện vào thiên nhiên. Một cảm xúc tuyệt vời thật sự khó tả bằng lời.
Không chỉ khung cảnh thiên nhiên, những đồn điền trà phủ từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác ở Thái Nguyên, đến những cánh rừng cà phê hay trái cây ở Tây nguyên. Về đến đồng bằng sông Cửu Long khi đạp băng qua những cánh đồng mênh mông mùi lúa thơm ngát, thỉnh thoảng có đàn cò trắng ẩn trong lúa bay lên với tiếng kêu phá tan bầu không khí yên tĩnh của đồng quê.
Điều làm tôi nhớ nhất vẫn là ngày đạp từ Phước Mỹ, Quảng Nam đến Ngọc Hồi, Kon Tum qua con đèo Lò Xo nổi tiếng dài 37 km không chỉ cảnh quan hùng vĩ của ngọn núi Ngọc Linh mà cung đường thử thách thể lực của tôi đến đỉnh điểm, đến nỗi tôi chỉ còn biết cố gắng để vượt qua từng miếng bê tông trên đường.
ĐỘC ĐÁO HƯƠNG LIỆU ẨM THỰC
Qua mỗi vùng miền, tôi đều thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đó như thắng cố ở Hà Giang đến chuột đồng ở đồng bằng Nam bộ. Sự đa dạng trong ẩm thực Việt Nam đã mang lại cho tôi những trải nghiệm ẩm thực đáng nhớ. Món thắng cố ruột ngựa của người đồng bào có vị đắng rất khó ăn và màu xám đen không có gì bắt mắt, nhưng tôi cũng ăn được hết một chén. Và đúng như lời anh chủ nhà nói nếu ăn được thắng cố thì có thể ăn được tất cả các món ăn đặc sản vùng miền.
Một điều ấn tượng trong ẩm thực Việt, đó là sự đa dạng trong hương liệu dùng để chế biến món ăn Việt. Tôi có thể khẳng định gia vị ẩm thực Việt phong phú hơn nhiều so với nhiều nước khác, vì tôi đã du lịch qua khá nhiều nước và Việt Nam cũng đã đến các thành phố ở 3 miền.
Tôi nhớ nhất là những loại rau rừng khác nhau mà người đồng bào từ Hà Giang đến Tây nguyên ăn. Ước chừng phải trên 50 loại rau rừng khác nhau mà tôi đã ăn, trong khi đó ra siêu thị thì chỉ có vài loại rau thông dụng, kể cả rau thơm. Theo lời ông nội tôi dạy, mỗi loại rau thơm hay rau rừng đều có đặc tính thuốc mà người đồng bào hay địa phương rút ra từ kinh nghiệm nhiều năm sinh sống trong rừng núi không tiếp cận được phương pháp chăm sóc sức khỏe tiên tiến. Ước gì một ngày tôi có thể tổng hợp tất cả những loại rau rừng này rồi dùng kiến thức chuyên môn hóa dược của mình để tìm ra giá trị y học của chúng. Chắc là phải thực hiện một chuyến đạp xe xuyên Việt nữa cho mục tiêu này.
ĐA DẠNG VĂN HÓA
Đạp xe địa hình cho phép tôi len lỏi qua các bản làng xa xôi, băng rừng, băng ruộng để đến những nơi mà du lịch bằng xe hơi và đôi khi bằng xe máy cũng không thể đến được. Đương nhiên đó là ngoài việc đạp xe giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Từ khi còn là một sinh viên đại học, nhân chủng học và xã hội học là môn mà tôi dở nhất vì yêu cầu ngôn ngữ cao trong lúc trình độ tiếng Anh của tôi còn kém, nhưng nó để lại cho tôi nhiều ấn tượng vì những kiến thức mà tôi chưa hề biết trước đó.
Chuyến đạp xe xuyên Việt là một khóa học về xã hội học thực tiễn mà không có một trường lớp, sách vở hay thầy cô nào có thể dạy được. Mỗi lần nghỉ giải lao trong bản người đồng bào thì tôi xin phép bước vào nhà họ để quan sát và nói chuyện với người lớn trong nhà, lắng nghe họ chia sẻ về cuộc sống và kể cả niềm tin của họ.
Trao đổi với một bác người Tày về tâm linh và khám phá ra họ không có Phật hay Chúa, không có thần thánh hay quỷ dữ mà chỉ có những con ma, ma tốt và ma xấu. Lời dặn dò của vị giáo sư lớp xã hội học khi còn học đại học gần 40 năm trước vọng lại trong đầu tôi: “Khi bạn muốn hiểu về văn hóa của một xã hội nào thì hãy đón nhận thông tin bằng một trái tim và tâm thức mở, không phán xét và đặc biệt không dùng những chuẩn mực đạo đức xã hội đúng sai trong bạn để đánh giá nó”.
Tác giả tại cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn (Hà Giang), nơi được ví như mái nhà của đất nước
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Tôi cảm thấy phấn khích khi biết ở Việt Nam cũng có những cộng đồng người đồng bào theo mẫu hệ chứ không chỉ là một xã hội Việt thuần phụ hệ. Đây là điều mà tôi chưa hề được biết trước đây. Thêm nữa, khi ghé qua khu vực chợ tình của người dân tộc H’Mông ở Khâu Vai, Hà Giang và nghe người địa phương giải thích về tập tục độc đáo này trong quan hệ vợ chồng, tôi cảm thấy Việt Nam có sự đa dạng văn hóa sâu sắc.
Điều này đặt một câu hỏi rất lớn trong đầu tôi khi rời Hà Giang. Tại sao lại có nét văn hóa đó? Mọi nét văn hóa hay tập tục đều có lý do cho sự tồn tại của nó. Rồi dần tôi hiểu ra đấy có thể là cách mà người H’Mông giúp đa dạng nguồn vốn gien trong tộc của họ để giúp tộc phát triển bền vững.
Sống hơn nửa đời người ở Mỹ, tôi nhận ra nước Mỹ phát triển mạnh mẽ nhờ khai thác được sức mạnh của đa dạng văn hóa và chủng tộc. Hy vọng Việt Nam cũng sẽ khai thác được sức mạnh đa văn hóa của mình cho phát triển xã hội chứ không chỉ qua các lễ hội với mục tiêu khai thác du lịch.
CON NGƯỜI VIỆT
Thời trẻ tôi thường được nghe là người Bắc ăn nói sâu sắc trong khi người Nam thì ăn nói mộc mạc. Qua chuyến đạp xe xuyên Việt, những con người tôi gặp từ Bắc đến Nam đã giúp tôi xóa bỏ được sự phân biệt vùng miền trong tư duy của chính mình.
Những con người ở vùng nông thôn cho dù ở miền Bắc, dọc theo đường Trường Sơn ở miền Trung, ở cao nguyên hay ở đồng bằng Nam bộ, họ đều chất phát, mộc mạc và hiếu khách như nhau và chỉ khác nhau ở giọng nói, nét văn hóa địa phương. Có khác chăng là người thành thị dù ở miền nào, vì môi trường sống cạnh tranh hơn ở nông thôn nhiều nên họ tính toán, cân đo đong đếm hơn thiệt trong mọi quyết định cuộc sống làm họ sắc sảo hơn thôi.
Qua cánh đồng lúa miền Tây
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Khi đạp qua tỉnh Thanh Hóa thì thông tin siêu bão Noru đã vào Biển Đông với sức gió lên đến cấp 15, tiên đoán sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng và vùng Bắc Trung bộ. Mặc dù bạn bè nhắn tin khuyên tôi nên dừng và hủy chuyến đi, tôi quyết định cứ tiếp tục hành trình vì cho rằng cung đường phía tây dãy núi Trường Sơn sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp của sức gió và đoàn có thể đánh giá tình hình thời tiết thực tế từng ngày tại nơi nghỉ qua đêm vào mỗi sáng để quyết định có khởi hành không.
Nhờ thế mà tôi có cơ hội trải nghiệm đạp trong mưa như thác đổ nguyên ngày, nhìn thấy cảnh ngập lụt cả cầu và đồng ruộng bao la, và khi cố gắng đạp chạy trước khi đập xả lũ có thể ngập phủ đường đi. Qua đó tôi hiểu được tính cần cù và dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh sống của người Việt được hình thành như thế nào khi đối diện với những thử thách của thiên nhiên để tồn tại.
Gặt lúa với đồng bào ở Hà Giang
ẢNH: TÁC GIẢ CUNG CẤP
49 ngày lang thang trên từng tấc đất của quê hương từ Bắc đến Nam, tôi cảm nhận được nét đẹp của quê hương không chỉ những cảnh đẹp thiên nhiên núi non hùng vĩ, mà còn là những món ăn với hương vị độc đáo khó tìm ở những nước khác và những con người cần cù, chân chất, thân thiện và hiếu khách. Tôi khám phá ra Việt Nam không chỉ đẹp ở những điểm du lịch được phát triển như những cô người mẫu với nét đẹp sắc sảo, mặc áo dài lượt là nở nụ cười chào đón với hàm răng trắng đều, mà còn biết bao nơi có những nét đẹp thô sơ mộc mạc như những cô gái quê trong bộ đồ bà ba, tóc đen dài bay trong gió, không son phấn nhìn bạn nở nụ cười dễ thương duyên dáng với chiếc răng khểnh.
Chuyến đạp xe xuyên Việt là để khám phá quê cha đất mẹ mà tôi chưa hề biết. Nhưng cuối cùng thì tôi khám phá ra chính con người của mình khi đối diện với thử thách liên tục hằng ngày, khi đạp trong cơn siêu bão với tương lai và môi trường đầy bất ổn, khi đối diện với văn hóa xã hội đi ngược lại chuẩn mực đạo đức trong tư duy của mình…, để được đón nhận phần thưởng tinh thần mà không tiền của nào có thể mua được.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/net-dep-que-huong-18524082916041948.htm