thanhnien.vn
Vừa qua, nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook đã đăng tải 1 đoạn video với nội dung giao lưu giữa ca sĩ Long Nhật cùng nữ ca sĩ Cao Lang. Khi giao lưu với nữ ca sĩ quê Tuyên Quang, ca sĩ Long Nhật đã đọc một bài thơ với nội dung như sau:
“Nhớ ngày nào anh đến Tuyên Quang
em đưa anh vào phố yên lành
Tuyên Quang nhỏ bởi lòng thung lũng nhỏ
Vội vàng chi em bước đi nhanh
Em thấy không phố bốn bề xanh
Rừng vây quanh, núi cũng vây quanh
Đất vẫn xuôi và sông Lô vẫn chảy
Trời rộng thênh thang mây trắng yên lành
Đi cùng anh một vài con dốc
Đã gì đâu mà anh kêu là mỏi chân
Mai tạm biệt anh về phố lớn
Mang theo về một chút Tuyên Quang”
Nhiều người dân tại Kon Tum ngỡ ngàng trước việc ca sĩ Long Nhật vi phạm bản quyền ngay trên sóng truyền hình
Sau phần đọc thơ của ca sĩ Long Nhật, nhiều người cảm thấy bài thơ trên “có phần giống giống” với bài thơ Một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ (ở Kon Tum). Một số người cũng cho rằng ca sĩ Long Nhật đã vi phạm bản quyền khi không hề nhắc tới tên người sáng tác bài thơ. Khi ngâm thơ, ca sĩ Long Nhật không giới thiệu đây là thơ của ai và đã tự ý biến tấu, thay đổi một số câu chữ, địa danh.
Cụ thể bài thơ Một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ có nội dung như sau:
“Bởi lần đầu anh đến thăm em
Em đưa anh thăm phố yên lành
Kon Tum nhỏ bởi lòng thung nhỏ
Chầm chậm thôi, vội bước chi nhanh
Anh thấy không, phố bốn bề xanh
Rừng vây quanh, núi cũng vây quanh
Đất vẫn xuôi mà sông chảy ngược
Trời rộng thênh, mây trắng yên lành
Ôi những con đường, nối phố với rừng
Mang thiên nhiên gần quá đỗi gần
Như ánh núi rừng cao ngất ngàn năm
Người ở đây hồn người rất rộng
Đi cùng em với vài con dốc
Có gì đâu mà anh mỏi chân
Mai tạm biệt anh, về phố lớn
Mang theo về một chút Kon Tum.”
Chiều 31.7, trao đổi với PV Thanh Niên, nhà thơ Tạ Văn Sỹ cho biết đang chờ một câu trả lời từ phía ca sĩ Long Nhật.
Việc ca sĩ Long Nhật đọc thơ của người khác nhưng không cho biết tác giả khiến nhiều người Kon Tum bức xúc
Theo ông Tạ Văn Sỹ, bài thơ trên được ông sáng tác vào tháng 1.1992. Chỉ sau đó 2 tuần, bài thơ được cố nhạc sĩ Ngọc Minh phổ nhạc. Đây là bài thơ nhằm kỷ niệm sự kiện thành lập tỉnh Kon Tum.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên là khi giới thiệu, ca sĩ Long Nhật đã nói rằng ‘Long Nhật có một bài thơ, Long Nhật nhớ hoài…’ khiến người khác nghiễm nhiên nghĩ rằng đây là bài thơ do ca sĩ sáng tác. Bên cạnh đó, việc thay đổi tên địa danh từ Kon Tum thành Tuyên Quang đã khiến không chỉ tôi mà nhiều người biết đến Một chút Kon Tum cũng khá bất ngờ, bức xúc”, nhà thơ nói.
Ca sĩ Long Nhật viết bài xin lỗi nhà thơ Tạ Văn Sỹ trên trang cá nhân
Cũng theo ông Tạ Văn Sỹ, sau khi đoạn video trên được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều bạn bè đã gọi điện chia sẻ và khuyên ông khởi kiện ca sĩ Long Nhật. Tuy nhiên ông từ chối và cho biết sẽ chờ ca sĩ này liên hệ lại để giải quyết một cách hài hòa.
Về phía Long Nhật, nam ca sĩ cũng đã viết bài xin lỗi nhà thơ Tạ Văn Sỹ trên trang cá nhân. Ca sĩ cho biết đã đọc và biết đến bài thơ cách đây 30 năm. Trong chương trình truyền hình gần đây, Long Nhật đã đọc nhầm Kon Tum thành Tuyên Quang. Hiện ca sĩ này đã làm việc và xin Đài truyền hình Vĩnh Long cắt bỏ đoạn đọc bài thơ bị sai về địa danh trên.
Nhà thơ Tạ Văn Sỹ giao lưu với học sinh tại Kon Tum
Theo ông Đinh Su Giang, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum, từ nhiều năm qua, Một chút Kon Tum đã trở thành bài hát nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng ở địa phương. Không chỉ vậy, bài thơ này còn được đưa vào sách giáo khoa, chương trình giáo dục địa phương ở Kon Tum lớp 8 và lớp 11.
Về sự việc vừa qua, ông Giang cho biết ca sĩ có thể nói không nhớ tên tác giả, hoặc mượn ý thơ của tác giả chứ không nên nói có một bài thơ rồi trình bày khiến người khác hiểu lầm. “Đối với những chương trình lớn trên sóng truyền hình thì cũng nên cẩn thận, nhất là khi đọc bài thơ của các tác giả khác”, ông Giang nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đoạn video này được cắt ra từ tập 9 chương trình Song ca giấu mặt của Đài Truyền hình Vĩnh Long.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/ca-si-long-nhat-vi-pham-ban-quyen-khi-doc-tho-tren-song-truyen-hinh-185240731170734175.htm