Để vườn tạp hết “tạp”

8

baokontum.com.vn

13/07/2024 13:22

Cải tạo vườn tạp là một trong những yêu cầu xuất phát từ thực tế nhằm sử dụng triệt để nguồn tài nguyên đất sẵn có, tạo ra mô hình vườn có tính chất hàng hóa, mang lại thu nhập kinh tế cao, từ đó tăng giá trị vườn, cải thiện thu nhập, mức sống cho người dân.

Sau gần 10 ngày lao động cật lực, khu vườn rộng của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Kon Tu 2, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) đã thay đổi hoàn toàn, với những luống đất vuông vắn, thay cho cỏ lùm cây bụi.

Một số cây ăn quả cằn cỗi được chặt hạ, những cây còn lại được cắt tỉa cành sâu, cành già. Hệ thống rãnh thoát nước mưa ngang dọc, đường ống dẫn nước tưới được kéo đến từng luống đất.

Đứng nhìn khu vườn tạp đã hết “tạp”, anh Sơn chia sẻ rằng, bấy lâu nay do tất bật mưu sinh, lại chưa đánh giá đúng tiềm năng kinh tế vườn nên đã “bỏ quên” khu đất vườn của gia đình. Nhưng mới đây, khi đi thăm gia đình bà con ở huyện Đăk Hà, anh thấy họ có thu nhập khá từ mảnh vườn có diện tích nhỏ hơn nhiều.

Chỉ với hơn 200m2 đất vườn, họ cải tạo lại, trồng rau màu, mùa nào thức nấy, lại trồng xen thêm mấy cây ăn quả nữa, thu nhập khá lắm. Tôi vỡ lẽ, hóa ra có thể kiếm tiền từ vườn nhà, nếu như cải tạo hợp lý. Thế là tôi quyết tâm làm theo- anh Sơn nói.

170442V%E1%BA%ADn%20%C4%91%E1%BB%99ng%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20t%C3%ADch%20c%E1%BB%B1c,%20t%E1%BB%B1%20gi%C3%A1c%20tham%20gia%20c%E1%BA%A3i%20t%E1%BA%A1o%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20t%E1%BA%A1p

Vận động người dân tích cực, tự giác tham gia cải tạo vườn tạp. Ảnh: H.L

 

Vườn tạp vốn là hình ảnh quen thuộc, có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Gọi là vườn tạp bởi không được đầu tư lao động, vật tư, hàm lượng kỹ thuật, nên hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí là bỏ hoang cho… cỏ mọc.

Các loại cây trong vườn tạp thường là những loại cây ăn quả theo kiểu mùa nào thức đó, chủ yếu để cải thiện dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày của gia đình, nên hiệu quả kinh tế kém.

Vì vậy, anh Sơn cùng hàng chục ngàn hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tham gia cải tạo vườn tạp.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để cải tạo vườn tạp, trước hết phải quan tâm về giống cây trồng trong vườn. Cần thực hiện các bước kiểm tra, xác định giống cần cải tạo và thay thế bằng giống được đưa vào cải tạo.

Tiếp đó là cải tạo đất vườn và hệ thống tưới tiêu. Theo đó, cần tăng độ mùn trong đất bằng bổ sung phân hữu cơ cho cây, thêm đất phù sa, đất ao cho vườn. Cải tạo hệ thống tưới tiêu bằng cách khơi thông mương rạch để tránh ngập úng; lắp đặt hệ thống tưới, ao trữ nước cho vườn trong mùa khô.

Cuối cùng là cải tạo kỹ thuật canh tác. Đây là một yếu tố cần chú ý khi cải tạo vườn tạp. Nên áp dụng những kỹ thuật thâm canh phù hợp với từng giống cây trồng từ khâu làm đất, đào hố, phân bổ mật độ cây đến khâu bón phân, tưới nước, tỉa cành tạo tán.

Xác định rõ ý nghĩa của cải tạo vườn tạp trong giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã có chủ trương, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ việc cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ.

Như năm 2021, huyện Sa Thầy ban hành Đề án cải tạo vườn tạp, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng cây ăn quả; năm 2022, Huyện ủy Đăk Hà ban hành Nghị quyết cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình; năm 2024, huyện Kon Plông có chỉ thị về phát triển vườn rau hộ gia đình.

Tại Nghị quyết số 24 NQ/TU ngày 28/3/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế,  như mắc ca, sầu riêng để tăng thu nhập.

Chỉ tiêu cụ thể là trong năm 2024, mỗi huyện, thành phố chỉ đạo cải tạo vườn tạp tại các thôn, làng trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đạt ít nhất 200 ha/quý.

171021C%E1%BA%A7n%20h%E1%BB%97%20tr%E1%BB%A3%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20th%E1%BB%B1c%20hi%E1%BB%87n%20c%C3%A1c%20m%C3%B4%20h%C3%ACnh%20c%E1%BA%A3i%20t%E1%BA%A1o%20v%C6%B0%E1%BB%9Dn%20t%E1%BA%A1p

Cần hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình cải tạo vườn tạp. Ảnh: HL

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tổng diện tích vườn tạp trên địa bàn tỉnh là 2.388ha/25.695 hộ, gồm 8.057 hộ người Kinh và 17.638 hộ DTTS.  Thực hiện Nghị quyết số 24 NQ/TU, tính đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo được 1.254ha/14.016 hộ (gồm 5.842 hộ người kinh và 8.173 hộ DTTS).

Trong đó, cải tạo từ năm 2023 trở về trước là 780,50ha/9.539 hộ (5.341 hộ người Kinh và 4.198 hộ DTTS); cải tạo từ đầu năm 2024 đến nay là 474,15ha/4.477 hộ (501 hộ người Kinh và 3.976 hộ DTTS). Dự kiến đến hết năm 2024 cải tạo được 808ha/8.149 hộ, nâng tổng diện tích vườn được cải tạo lên 1.282,15 ha/12.626 hộ.

Thực tế cho thấy, cải tạo vườn tạp đã đạt kết quả bước đầu. Đáng chú ý là đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, nhất là đồng bào DTTS, về sử dụng hiệu quả, không để lãng phí tài nguyên đất vườn; tạo ra mô hình vườn có tính chất hàng hóa, mang lại thu nhập kinh tế cao, từ đó tăng giá trị vườn, cải thiện thu nhập, mức sống cho người dân.

Bên cạnh đó, hình thành, chỉnh trang lại không gian nhà ở, vườn, chuồng nuôi gia súc được bố trí khoa học, hợp vệ sinh hơn, thuận lợi cho việc sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những hộ chủ động duy trì thực hiện cải tạo vườn tạp thì vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của chính quyền và đoàn thể; chưa chủ động, tự lực trong thực hiện cải tạo vườn và duy trì vườn sau triển khai thực hiện; chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm không ổn định.

Điều đó cho thấy, để vườn tạp không còn “tạp”, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi đẩy mạnh phát triển sản xuất.

Lồng ghép nguồn lực của 3 chương trình MTQG và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân; tăng cường liên kết, gắn kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa người dân với các hợp tác, doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra của sản phẩm từ vườn.

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/de-vuon-tap-het-tap-41800.html