Người giữ nghề đan lát ở làng Trấp

165

baokontum.com.vn

12/06/2023 13:17

Dù đã bước sang tuổi 75, nhưng những lúc rảnh rỗi, ông A Nhang (làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy) vẫn miệt mài với đan lát. Những chiếc gùi, chiếc nia do ông làm ra vẫn rất sắc sảo, tỉ mỉ từng chi tiết và có độ bền cao.

Trời trở mưa, vợ chồng ông A Nhang không thể lên rẫy, đành ở nhà. Cả nhà quây quần trước hiên. Vợ ông bật chiếc radio nghe nhạc, còn ông lại tiếp tục “bầu bạn” cùng chiếc gùi đang đan dở.

Ông A Nhang tâm sự: Ngày xưa tre nứa nhiều, dễ chặt, bây giờ muốn có tre đan lát phải đi vào tận rừng sâu. Mang được tre về đến nhà tốn nhiều công sức nên tôi quý lắm, phải cẩn thận chẻ, vót sao cho thu được nhiều nan nhất. Nhìn vót tre thấy đơn giản, nhưng để vót được sợi nan đủ độ mỏng thì người vót phải trải qua  thời gian dài thuần thục. Và kỹ năng, kinh nghiệm mà tôi đan lát như ngày hôm nay đều được học hỏi từ cha.

Trầm ngâm một lúc, ông A Nhang hồi tưởng rằng, từ khi biết theo cha mẹ lên rẫy thì chiếc gùi đã gắn bó với ông như một người bạn. Ngày còn bé, mỗi khi lên rẫy, ông thường mang gùi trên lưng. Trong chiếc gùi thường đựng cơm, đựng nước và theo bước chân ông có mặt trên nhiều nương rẫy, núi rừng. Mỗi lần từ rẫy về nhà, chiếc gùi sau lưng ông lại đèo bòng thêm măng rừng, rau rừng hay những đoạn tre, lồ ô để tạo ra những chiếc gùi khác.

152743Sau%20khi%20c%C3%B3%20%C4%91%E1%BB%A7%20nan,%20%C3%B4ng%20A%20Nhang%20t%E1%BB%89%20m%C3%AC%20%C4%91an%20l%C3%A1t
Tuổi đã cao, những lúc rảnh rỗi ông A Nhang tỉ mỉ đan lát. Ảnh: V.T

“Ngày trước, tôi thường cùng cha tìm chặt tre để về đan gùi. Cha tôi chặt hạ, còn tôi có nhiệm vụ lôi những cây tre ra khỏi bụi. Có lần, cây tre đã đứt lìa nhưng vướng nhiều cành nên không đổ xuống, buộc tôi phải cầm phần gốc kéo ra. Tuy nhiên, vì bất cẩn và chủ quan nên bị vỏ cây tre cắt đứt tay. Vết đứt sâu khiến máu đổ rất nhiều. Sau lần đấy, cha tôi bắt đầu dạy tôi những kinh nghiệm về chặt tre, vót tre để đan lát làm gùi”- ông A Nhang nhớ lại.

Theo ông, muốn có một chiếc gùi dẻo dai, bền lâu, có thể phơi mình ngoài nắng mưa thì buộc người thợ phải có con mắt tìm tre. Cha ông A Nhang dạy, những cây tre có vẻ bề ngoài sần sùi, màu sắc không bắt mắt là những cây tre già thích hợp để đan gùi, đan giỏ. Còn những cây tre có màu xanh mướt, vươn thẳng lên trời thì đa số là những cây non. Nếu dùng những cây non này để đan thì chiếc gùi sẽ rất nhanh hỏng, không chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết trong quá trình sử dụng.

Khi biết được cách chọn tre, ông A Nhang tiếp tục học cách vót tre, chuốt nan từ cha để đan gùi. Gùi người Gia Rai đan có nhiều loại, gùi nhỏ, gùi to tùy vào từng mục đích sử dụng mà người đan tạo ra. Có loại gùi được đan nan khít, dùng để đựng lúa, đựng gạo. Có loại gùi nan thưa dùng để đựng nông sản, chứa củi. Dù đan loại gùi nào cũng đòi hỏi người thợ cần có kĩ năng chẻ và vót nan.

Nan được vót không quá dày cũng không quá mỏng, khi vót nan buộc tay người thợ phải mềm mại, uyển chuyển, đưa lưỡi dao đi nhẹ nhàng với lực đều đặn để cho ra những sợi nan đẹp, mỏng, đủ dẻo dai để luồn lách. Với những loại gùi càng nhỏ, người thợ phải vót sợi nan thật nhỏ thì chiếc gùi trông mới sắc sảo, tỉ mỉ.

Ông A Nhang nhớ lại: Lúc trước, lúc mới tập vót nan, cha tôi bắt dùng con rựa to, lưỡi khá dày để vót. Con rựa không chịu nghe lời tôi, vót ra những chiếc nan không đều, mặt nan không phẳng nên buộc tôi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn vót thì mới tạo ra những sợi nan đều, đẹp. Sau thời gian dài, khi tôi quen vót nan bằng rựa, lúc này cha tôi đưa cho con dao “gia truyền” mà ông thường dùng để vót. Đó là con dao mà bây giờ tôi vẫn dùng, lưỡi dao nhỏ, sắc lẹm, vót rất dễ dàng, nếu không cẩn thận rất dễ đứt tay.

Một nét đặc trưng trong gùi của người Gia Rai ở làng Trấp là nhuộm màu để tạo hoa văn. Sau khi vót đủ các số nan, ông A Nhang thường lựa chọn những sợi nan phù hợp để nhuộm màu. Thường thì họa tiết chiếc gùi sẽ được trang trí ở phần trên miệng gùi để tạo điểm nhấn, thu hút người nhìn. Họa tiết gùi của người ở Gia Rai gồm 2 loại là “reo ya xâu” – gùi hoa văn bình thường và “reo ma nga” – gùi hoa văn đặc biệt.

152811%C3%94ng%20A%20Nhang%20s%C6%A1n%20m%C3%A0u%20nan%20%C4%91%E1%BB%83%20t%E1%BA%A1o%20h%E1%BB%8Da%20ti%E1%BA%BFt%20cho%20g%C3%B9i
Ông A Nhang sơn màu nan để tạo họa tiết cho gùi. Ảnh: V.T

Tùy theo mục đích sử dụng mà người Gia Rai đan những chiếc gùi khác nhau. Đối với việc tạo ra những chiếc gùi hoa văn bình thường, với họa tiết chủ yếu là màu đen. Để có màu đen, người đan gùi thường đốt vỏ cây rừng và lấy bột tro vỏ cây hòa nước bôi lên những chiếc nan. Với những họa tiết có màu sắc khác, người đan gùi cũng chọn loại rễ, loại củ, vỏ cây rừng để làm bột màu như nhuộm màu sợi bông trong dệt thổ cẩm. Nhưng những họa tiết này rất dễ phai màu khi trực tiếp phơi dưới mưa, nắng.

Giờ đây, cuộc sống hiện đại, việc nhuộm màu sợi nan không còn khó khăn như trước. Không phải tốn công tìm nguyên liệu trong rừng sâu để nhuộm màu như trước, ông A Nhang cũng như nhiều người đan gùi chỉ mua sơn về quét lên để khô là có thể đan, tạo ra các họa tiết hoa văn như ý muốn.

Thông thường, ông A Nhang sẽ đan một lúc nhiều chiếc gùi, sau khi đan xong phần nan mộc, ông A Nhang sẽ nhuộm một lúc nhiều nan để đan họa tiết cho nhiều chiếc gùi cùng lúc. Sở dĩ, ông A Nhang đan nhiều gùi với nhiều kích thước nhỏ, lớn khác nhau là để phục vụ nhu cầu người mua.

Những năm gần đây, nhiều bà con trong làng và ở các địa phương tìm đến ông A Nhang để đặt gùi. Tùy theo kích thước, cái nhỏ được bán với giá 300.000 – 500.000 đồng/cái, cái to từ 600.000 – 800.000 đồng/cái.

“Tuổi tôi đã cao, có thêm nguồn thu nhập từ việc đan gùi tôi rất vui. Ngày xưa, đan gùi chỉ phục vụ cho việc sinh hoạt, cho con cái làm của hồi môn khi cưới. Giờ đây, đan gùi để duy trì niềm vui, để có thêm thu nhập và hơn hết là giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Gia Rai” – ông A Nhang bộc bạch.

Bà Y Phin – Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho biết: Ông A Nhang là một trong những người Gia Rai vẫn đang bảo tồn và phát huy nghề làm gùi truyền thống của dân tộc. Những chiếc gùi ông làm ra rất sắc sảo, bắt mắt, với những họa tiết nhiều màu sắc nên được nhiều yêu thích, ủng hộ. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền những người biết đan lát tiếp tục phát huy, truyền dạy cho thế hệ trẻ để nghề này được giữ gìn và phát triển. Đồng thời, xã khuyến khích những người trẻ cần chủ động học hỏi ông bà, cha mẹ làm nghề truyền thống, để nét văn hóa của dân tộc Gia Rai không bị mai một.

Văn Tùng


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/nguoi-giu-nghe-dan-lat-o-lang-trap-31207.html