Có một vùng sâm Ngọc Linh ‘độc nhất vô nhị’, với diện tích lớn nhất tỉnh Kon Tum, hơn 1.000 ha ở độ cao hơn 2.000m trên đỉnh núi Ngọc Linh. Nơi đây không khí trong lành với rừng cây cổ thụ nguyên sinh đẹp và thuận lợi cho ‘quốc bảo’ Việt Nam sinh trưởng.
Kon Tum có vùng sâm Ngọc Linh lớn nhất do Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum quản lý. Nơi đây cách trung tâm thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) gần 200 cây số. Ngọc Linh là một khối núi cao nhất miền Trung. Ảnh Phan Nguyên
Ẩn dưới những tán rừng già cổ thụ, một báu vật vô cùng quý hiếm đó chính là cây Sâm Ngọc Linh. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng trong 1 lần tới thăm và gọi sâm Ngọc Linh là quốc bảo Việt Nam.
Sâm Ngọc Linh khởi nguồn là một cây thuốc “giấu”. Năm 1973 đoàn điều tra dược liệu do Dược sỹ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang hướng dẫn đã phát hiện loài sâm này. Đây là loài sâm được đánh giá tốt nhất thế giới, chỉ mọc duy nhất tại vùng núi Ngọc Linh, thuộc địa phận 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Ảnh Phan Nguyên
Ông A Rin (70 tuổi, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), công nhân của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum vui vẻ nói: “Mình cùng mọi người bứng những cây sâm Ngọc Linh hơn 10 năm tuổi dồn gần lại với nhau, chia thành từng ô tròn. Việc này để công nhân tiện chăm sóc, bảo vệ. Sợ cả trộm người và “trộm” chuột. Củ sâm Ngọc Linh đắt như vàng nên chăm vất vả lắm, mưa nắng gì cũng phải chạy ra nhìn nó”.
Thời điểm này sâm Ngọc Linh bắt đầu ra hoa, kết quả, cũng là thời điểm công nhân phải chuẩn bị bẫy chuột ăn hạt Ngọc Linh.
Công nhân bảo vệ 24/24 bởi giá trị của sâm Ngọc Linh rất cao khi (1kg củ sâm Ngọc Linh 10 năm tuổi có giá gần 200 triệu đồng- PV).
Một cây sâm Ngọc Linh mọc ra từ hốc cây cổ thụ được thanh niên 20 tuổi người Xê Đăng chăm sóc.
Cận cảnh củ sâm Ngọc Linh.
Phiên chợ sâm Ngọc Linh đang được tổ chức lần đầu tiên ở huyện Tu Mơ Rông với 44 gian hàng trưng bày giới thiệu về các sản phẩm (sâm Ngọc Linh cùng các loại dược liệu khác). Đây là phiên chợ uy tín khi đầu vào được kiểm soát nghiêm ngặt.
Trong ảnh, ông Trần Hoàn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đang giải thích, hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt loại sâm “đội lốt” sâm Ngọc Linh.
Được biết, nhiều người tiêu dùng không am hiểu đã mua nhầm sâm trồng ở Lai Châu (giá chỉ vài trăm nghìn đồng/lạng) với giá sâm Ngọc Linh (19 triệu đồng/lạng).
Theo ông Hoàn, sâm trồng ở Lai châu có thân cây to, mọng nước hơn sâm Ngọc Linh. Sâm Lai Châu cũng không có mắt như sâm Ngọc Linh với các mắt được mọc so le. Ngoài ra, có thể nhận thấy rõ củ sâm Ngọc Linh có hình thù khẳng khiu, cứng cáp, trong khi củ sâm Trung Quốc to, tròn. Khi ngửi thì sâm Ngọc Linh có mùi thơm mát, dễ chịu.
Sâm Ngọc Linh
Tiền Lê
https://tienphong.vn/dot-nhap-khu-rung-hon-1-000-ha-chua-nhieu-quoc-bao-viet-nam-post1434040.tpo