Vì đàn em thân yêu

10

baokontum.com.vn

Những năm qua, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Đăk Glei có nhiều chuyển biến tích cực. Để có được kết quả đó, phải kể đến sự đóng góp kiên trì và lặng lẽ của đội ngũ giáo viên DTTS- những người tham gia “lái đò” tràn đầy nhiệt huyết với nghề, không quản ngại khó khăn, góp phần đưa các em đến với những bến bờ trí thức.

Trong tiết trời se lạnh của những ngày giữa tháng 11/2024, chúng tôi tìm về Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đăk Pék (huyện Đăk Glei). Ngôi trường có 373 học sinh đang theo học, với 100% học sinh là DTTS Gié-Triêng.

Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, lớp học của cô giáo Y Liên (sinh năm 1978, dân tộc Gié-Triêng) luôn tràn ngập năng lượng tích cực. Học sinh trong lớp ngồi học ngay ngắn, chăm chú nghe lời cô giáo giảng bài và chủ động giơ tay trả lời câu hỏi. Dưới sự chỉ dạy tận tâm của cô giáo Y Liên, tất cả các em lớp 1 rất vui mừng, phấn khởi, vì đã có thể đọc, viết được các con số và chữ cái của Tiếng Việt.

Với cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, gần gũi với học sinh, cô Y Liên được tất cả học sinh trong lớp yêu quý, kính trọng, xem như là người mẹ thứ hai của mình. Cô Y Liên bộc bạch: Khi giáo viên thật sự yêu nghề, mến trẻ, hết lòng với học sinh thì sẽ được các em đáp trả lại bằng những tình cảm ấm áp và trân quý nhất.

161802C%C3%B4%20gi%C3%A1o%20Y%20Li%C3%AAn%20h%C6%B0%E1%BB%9Bng%20d%E1%BA%ABn%20h%E1%BB%8Dc%20sinh%20l%C3%A0m%20b%C3%A0i%20t%E1%BA%ADp

Cô giáo Y Liên hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: T.L

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong 28 năm làm giáo viên, cô Y Liên đạt nhiều thành tích nổi bật như là giáo viên giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; tích cực tham gia các cuộc thi, phong trào do ngành Giáo dục và Đào tạo các cấp tổ chức. Những đóng góp của cô giáo Y Liên đã góp phần tích cực để Trường Tiểu học Võ Thị Sáu huy động học sinh ra lớp luôn luôn ở mức cao. Nhà trường là một trong những điểm sáng về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trên địa bàn huyện Đăk Glei.

Phát huy lợi thế là người Gié-Triêng, cô giáo Y Liên rất gần gũi với phụ huynh và học sinh. Qua đó, cô kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của gia đình học sinh, từ đó tham mưu với nhà trường hỗ trợ kịp thời cho các em.

Cô giáo Y Liên thường xuyên vận động phụ huynh bố trí góc học tập, dành nhiều thời gian để chăm lo cho con em học bài, làm bài tại nhà. Cô cũng luôn nêu cao tinh thần tự học, chủ động trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy để truyền tải kiến thức đến học sinh một ngắn ngọn, súc tích, dễ hiểu.

Với vai trò Khối trưởng Khối 1 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, cô Liên luôn nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ các giáo viên trẻ để các cô hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn tại trường.

Tại Trường Mầm non xã Đăk Plô, cô giáo trẻ Y Kẻ (sinh năm 1995, dân tộc Gié-Triêng) cũng được các giáo viên, phụ huynh và trẻ em đặc biệt yêu mến.

161830C%C3%B4%20gi%C3%A1o%20Y%20K%E1%BA%BB%20t%E1%BB%95%20ch%E1%BB%A9c%20ho%E1%BA%A1t%20%C4%91%E1%BB%99ng%20vui%20ch%C6%A1i%20cho%20tr%E1%BA%BB%20t%E1%BA%A1i%20l%E1%BB%9Bp

Cô giáo Y Kẻ tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ tại lớp. Ảnh: TL

 

Trong 4 năm công tác tại Trường Mầm non xã Đăk Plô, cô giáo Y Kẻ không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn cần mẫn với công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Mỗi ngày, cô giáo Y Kẻ luôn có mặt tại trường từ sáng sớm để đón trẻ đến lớp; triển khai đa dạng các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” ở trong lớp và sân trường, tổ chức cho trẻ ăn uống, ngủ trưa, vệ sinh cá nhân, giúp các em phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Cô giáo Y Kẻ tâm sự: Khối lượng công việc tại trường rất nhiều, phải chăm lo 28 trẻ, nên nhiều khi tôi cảm thấy rất mệt. Tuy nhiên, khi nhìn thấy các em vui vẻ, khoẻ mạnh mỗi ngày, tôi lại có thêm động lực để cố gắng hơn nữa trong công việc. Tôi mong muốn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục vùng đặc biệt khó khăn này, giúp các em có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức, có tương lai tương sáng hơn.

Trong 4 năm học qua, cô giáo Y Kẻ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm được Trường Mầm non xã Đăk Plô giao phó, đạt thành tích lao động tiên tiến, đạt loại khá cuộc thi thiết kế video hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ cấp huyện. Cùng với đó, cô tích cực tham gia các cuộc thi giáo viên tự làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ; nhiều đồ chơi thủ công làm từ các vật liệu sẵn có trong tự nhiên đã được các em đón nhận, yêu thích sử dụng mỗi ngày.

Cô giáo Y Liên và cô giáo Y Kẻ mà chúng tôi nêu trên, chỉ là 2 trong số rất nhiều giáo viên DTTS đang ngày đêm nỗ lực giảng dạy, lặng thầm với công việc “gieo chữ” ở Đăk Glei, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Đăk Glei ngày càng phát triển. Bởi, hơn ai hết, các thầy cô giáo người DTTS hiểu được phong tục tập quán của người dân nơi đây, yêu thương và hiểu được nỗi khó nhọc của các em, muốn đem “ánh sáng tri thức” đến để làm thay đổi cuộc sống sau này của các em học sinh DTTS.

Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Glei có 389 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là người DTTS, chiếm gần 40% tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Với tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc, đội ngũ giáo viên DTTS đã vượt qua mọi khó khăn, có nhiều đóng góp tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.    

Tấn Lộc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/vi-dan-em-than-yeu-44010.html