Tiếp sức cho người nghèo

8

baokontum.com.vn

Người nghèo được hỗ trợ các mô hình sản xuất, chăn nuôi, xóa nhà tạm… sự giúp đỡ quý giá trên được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho người nghèo ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa, khó khăn có thêm cơ hội thoát nghèo bền vững.

Trách nhiệm với người dân vùng khó

Là tỉnh vùng núi, tỉnh ta có tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm hơn 50% dân số; đời sống người dân, nhất là ở các thôn làng tại các xã vùng sâu còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao. Để giúp đồng bào thay đổi nếp nghĩ cách làm, thoát nghèo bền vững, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ để giúp đỡ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Trước đây, Tỉnh ủy cũng đã có Nghị quyết 04 về việc xây dựng, giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Theo đó, các sở, ban ngành của tỉnh mỗi đơn vị được giao đỡ đầu, giúp đỡ các xã khó khăn. Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các đơn vị cũng như người dân. Sau nhiều năm giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn, các đơn vị đã có nhiều việc làm thiết thực và giúp nhiều xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân cũng được cải thiện và nâng cao.

162248v%E1%BB%9Bi%20s%E1%BB%B1%20h%E1%BB%97%20tr%E1%BB%A3,%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20d%C3%A2n%20s%E1%BA%BD%20c%C3%B3%20th%C3%AAm%20c%C6%A1%20h%E1%BB%99i%20%C4%91%E1%BB%83%20v%C6%B0%C6%A1n%20l%C3%AAn%20tho%C3%A1t%20ngh%C3%A8o%20b%E1%BB%81n%20v%E1%BB%AFng

Với sự hỗ trợ, người dân sẽ có thêm cơ hội để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: P.N

 

Khi kết thúc thực hiện Nghị quyết 04, ngày 14/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Kế hoạch phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” tại các thôn (làng) trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (gọi tắt là KH133). Trong đó, Tỉnh ủy đã phân công 58 cơ quan đơn vị là các sở, ban, ngành và doanh nghiệp cấp tỉnh phụ trách giúp đỡ 57 thôn làng thuộc 8 xã Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đăk Glei); Măng Bút, Hiếu, Đăk Nên (huyện Kon Plông); Đăk Tờ Kan, Đăk Na, Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông). Thời gian giúp đỡ kéo dài 2 năm 2024-2025. Theo đó, các đơn vị tập trung hướng dẫn, giúp đỡ xây dựng mô hình “Dân vận khéo” tại các thôn (làng), hộ gia đình. Vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp trên địa bàn tỉnh”. Đồng thời, tham gia xây dựng thôn (làng) đạt các tiêu chí nông thôn mới vùng đồng bào DTTS.

Đây là chủ trương, chính sách thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình với đồng bào DTTS ở các thôn làng vùng khó khăn. Chính sách hỗ trợ nói trên được kỳ vọng sẽ “tiếp sức”cho người dân vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Ông Ka Ba Thành- Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết: Việc Tỉnh ủy ban hành KH 133 là chủ trương đầy trách nhiệm và hợp lòng dân. Chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng trách nhiệm và nhiệt tình của các đơn vị được phân công giúp đỡ các thôn làng. Hy vọng với sự giúp đỡ của các đơn vị, cùng với sự nỗ lực của người dân thì đời sống của bà con vùng khó sẽ được nâng lên trong thời gian tới. 

Trao cơ hội giúp dân thoát nghèo bền vững

Tìm hiểu việc triển khai thực hiện KH133, trong nhiều ngày, phóng viên Báo Kon Tum đã về các thôn làng trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người dân và ghi nhận sự nỗ lực giúp đỡ của các đơn vị. 

Tại huyện Tu Mơ Rông, địa bàn có 19 thôn của 3 xã Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông và Đăk Na nằm trong danh sách được hỗ trợ. Đến nay, các đơn vị đã tham gia hỗ trợ giúp người dân xây dựng nhà ở; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi bò, heo giống; hỗ trợ giống mắc ca, cà phê, cây cao su; hỗ trợ và khắc phục nguồn nước sinh hoạt.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ka Ba Thành- Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết, trước khi hỗ trợ, các đơn vị đã phối hợp địa phương khảo sát nhu cầu của người dân. Các mô hình hỗ trợ đã giúp ích rất lớn cho người dân trong việc ổn định chỗ ở, trao sinh kế. Sự giúp đỡ nói trên được kỳ vọng sẽ trở thành bệ đỡ trong việc giúp người nghèo thoát nghèo trong thời gian tới.

162325A%20%C4%90%E1%BB%8Bnh%20v%E1%BB%9Bi%20con%20b%C3%B2%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20h%E1%BB%97%20tr%E1%BB%A3%20hy%20v%E1%BB%8Dng%20s%E1%BA%BD%20tho%C3%A1t%20ngh%C3%A8o%20(2)

A Định với con bò được hỗ trợ, hy vọng sẽ thoát nghèo. Ảnh: PN

 

Có mặt tại nhà anh A Định (là hộ nghèo ở thôn Kon Hia 1, xã Đăk Rơ Ông), chúng tôi bắt gặp anh đang dẫn 2 con bò đi ra bờ ruộng ăn cỏ. Đây là 2 con bò gia đình anh được Hội Cựu chiến binh tỉnh hỗ trợ từ tháng 7/2024. Bò được chăm sóc kỹ nên béo tốt. “Gia đình thuộc hộ nghèo, hằng ngày trồng lúa, mì sinh sống, thu nhập bấp bênh. Mấy tháng trước, mình được Hội Cựu chiến binh tỉnh tặng 2 con bò để nuôi. Mình rất mừng vì đây là sinh kế có giá trị lớn. Mình đang tập trung chăm sóc để bò sớm đẻ, nhân rộng đàn, hy vọng sẽ sớm thoát nghèo nhờ số bò này” – anh A Định vui mừng nói.

Tương tự, hộ ông A Lá (thôn Kon Hia 1) được hỗ trợ xây dựng nhà từ tháng 5 với tổng giá trị 130 triệu đồng và hiện đã đưa vào sinh hoạt. Căn nhà khang trang có diện tích hơn 50m2 gồm phòng ngủ, bếp, là nơi an cư mới của gia đình. Để xây dựng căn nhà trên có sự hỗ trợ một phần của Hội Cựu chiến binh tỉnh.

“Nhà mình nghèo, sống trong căn nhà lụp xụp, mưa gió nước tạt vào, rất khổ. Vừa rồi được hỗ trợ tiền, mình bỏ thêm ít chi phí để xây dựng nhà mới. Bây giờ nhà mới khang trang, hiện đã an cư. Mình vui lắm.” – ông A Lá nói.

162349A%20L%C3%A1%20b%C3%AAn%20ng%C3%B4i%20nh%C3%A0%20m%E1%BB%9Bi%20khang%20trang%20(2)

Ông A Lá bên ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: P.N

 

Ông A Ngùng- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Rông cho biết, 6 thôn của xã nằm trong danh sách được hỗ trợ. Đến nay, các đơn vị đã hỗ trợ cho 4 thôn như tặng cây giống, bò cái sinh sản, vịt, heo, xây dựng nhà, nạo vét kênh mương nội đồng… Riêng 2 thôn còn lại, các đơn vị đã có kế hoạch hỗ cây giống, bò để sản xuất, chăn nuôi. Người dân được hỗ trợ rất vui, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, hướng đến thoát nghèo. Người dân đang tập trung chăm sóc để những mô hình hỗ trợ phát huy hiệu quả.

Tại huyện Kon Plông, có 16 thôn của 3 xã Măng Bút, Đăk Nên và xã Hiếu. Đến nay, đã có 16 cơ quan, đơn vị tổ chức đến thôn khảo sát nội dung và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ giúp đỡ 16 thôn. Đồng thời, đã xây dựng các mô hình hỗ trợ theo 4 lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

 Báo Kon Tum là một trong những đơn vị được phân công đỡ đầu thôn Tu Nông (xã Măng Bút). Đây là thôn có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 100%, đời sống nghèo khó, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thực hiện theo KH133 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Kon Tum đã vào cuộc giúp đỡ thôn Tu Nông. Báo đã cử đoàn đến tận nơi để khảo sát nhu cầu của người dân, làm cơ sở hỗ trợ đúng thứ dân cần. Trên cơ sở đề xuất của địa phương và người dân, Báo đã hỗ trợ hơn 26 triệu đồng để mua cây giống hồng giòn, hạt giống bí Nhật và mồng tơi nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo khó sản xuất; đồng thời hỗ trợ bộ áo quần học sinh cho gần 20 em học sinh nghèo trong năm học 2024-2025. Đây là sự hỗ trợ bước đầu. Hiện, Báo đã có lộ trình hỗ trợ tiếp theo, trong đó, sẽ tiếp tục giúp đỡ giống măng sặt cho các hộ khó khăn phát triển kinh tế; cử phóng viên viết bài phản ánh những mảnh đời khó khăn để kêu gọi mạnh thường quân chung tay giúp đỡ.

Ông Đào Duy Khánh – Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết, các đơn vị đã tham gia hỗ trợ cho người dân các loại cây giống ăn quả, tặng thiết bị điện mặt trời chiếu sáng, đồ dùng học tập cho học sinh. Sự giúp đỡ đó có ý nghĩa rất lớn, nhất là nguồn điện mặt trời chiếu sáng, sẽ giúp bà con đi lại thuận tiện, đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời, mong muốn việc hỗ trợ sẽ được duy trì để tiếp sức cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ở huyện Đăk Glei, có 22 thôn của 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh được các đơn vị của tỉnh đỡ đầu, giúp đỡ. Các đơn vị cũng đã đi khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân và triển khai các biện pháp giúp dân. Đến nay, các đơn vị đã và đang triển khai xây đựng mô hình để giúp người dân thoát nghèo. Đơn cử như Hội Nông dân tỉnh nhận đỡ đầu thôn Tân Rát của xã Ngọc Linh, hiện đã triển khai mô hình nuôi dê bách thảo cho 5 hộ dân nghèo. Hội đã tiến hành tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê và dê bách thảo cho 36 cán bộ, hội viên nông dân xã Ngọc Linh và thôn Tân Rát. Hội đã chọn 5 hộ nghèo và tiến hành hỗ trợ cho mỗi hộ 5 con dê bách thảo trị giá 76,5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi.

Sở Giao thông Vận tải được giao nhận đỡ đầu, giúp đỡ thôn Ngọc Nang (xã Mường Hoong). Sở đã phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa cây cà phê vào canh tác; chuyển đổi trồng lúa từ 1 vụ sang 2 vụ nhằm nâng cao thu nhập. Sở đã chọn 5 hộ gia đình để cải tạo vườn tạp trồng cà phê diện tích 1,5ha và  5 hộ gia đình triển khai trồng lúa 2 vụ với diện tích 0,7ha. Các mô hình này thành công sẽ nhân ra diện rộng, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với sự giúp đỡ trách nhiệm bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của các đơn vị, cùng với sự nỗ lực của người dân, đời sống đồng bào DTTS ở các thôn làng khó khăn sẽ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/tiep-suc-cho-nguoi-ngheo-42894.html