Thợ “săn” don trên dòng Trà Khúc

9

tienphong.vn

TP – Trên hành trình 130km, sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi) chảy qua bao thác ghềnh rồi hòa vào biển mẹ nơi Cửa Đại. Tại vùng nước mặn pha ngọt này đã sản sinh ra một loại nhuyễn thể rất đặc biệt và “độc bản” mà không một dòng sông nào ở miền Trung có được, đó là con don.

“Độc bản” của sông Trà Khúc

Từ cao nguyên Đak Tơ Rôn (Kon Tum) con nước chảy về địa phận Quảng Ngãi hợp lưu từ 4 con sông nhỏ là sông Tang, sông Xà Lò, sông Re và sông Rin chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP Quảng Ngãi trước khi đổ ra Biển Đông, qua Cửa Đại để hình thành nên dòng Trà Khúc.

Thợ “săn” don trên dòng Trà Khúc ảnh 1

Cào don trên sông Trà Khúc. Ảnh: Bùi Thanh Trung

Không như bao con sông khác cuồn cuộn đưa nước về xuôi, sông Trà chảy gấp khúc uốn lượn qua từng ngọn núi, xóm làng. Trước khi nhập vào Biển Đông, dòng sông hào sản này không quên để lại hai bờ của nó điệp trùng những cánh đồng màu mỡ phù sa. Ngoài việc bồi đắp thường niên một lượng phù sa rất lớn, dòng sông Trà còn dâng tặng cho cư dân ven sông những sản vật không nơi nào có. Đó là những chú cá bống chỉ to bằng đầu đũa có một hương vị rất riêng. Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là con don, loài hải sản “độc bản” của sông Trà mà không một dòng sông nào ở miền Trung có được.

Thợ “săn” don trên dòng Trà Khúc ảnh 2

Ông Dương Năm Bời có hàng chục năm gắn bó với nghề cào don. Ảnh: NN

Khi những trận lũ cuối cùng ở miền Trung vừa dứt thì đó cũng là thời điểm “hồi hương” của một số loài thủy sản ở sông Trà sau những trận cuồng lưu phải đi lánh nạn nơi bờ tre gốc rạ để tránh tai ương bị nước lũ cuốn phăng ra biển. Dòng sông chợt hiền lành như chưa từng biết mình đã từng gây bao thảm cảnh suốt một mùa lũ dữ.

Thợ “săn” don trên dòng Trà Khúc ảnh 3

Món don đặc sản Quảng Ngãi. Ảnh: NN

Cùng với những bãi cát vàng ươm mà dòng sông kịp để lại hai bờ, “phấn hương” của các loài thảo mộc nơi thượng nguồn cũng đã kịp lắng lại nơi cuối dòng sông. Đó là nguồn thức ăn vô tận của loài don. Chúng vùi mình sâu trong cát để tận hưởng những “sản vật” mà dòng sông để lại nơi cuối nguồn. Chính nguồn thức ăn đặc biệt từ “phấn hương” của các loài thảo mộc nơi dãy Trường Sơn đã làm nên hương vị của con don.

Rất khó lý giải vì sao tất cả các con sông ở miền Trung đều có đặc điểm, môi trường sống giống nhau nhưng ở sông Trà lại xuất hiện con don mà những dòng sông khác lại không có. Khi viết về dòng sông Trà, nhà thơ Thanh Thảo có câu thơ: “Là con don tôi ở sông Trà”… Đúng là chỉ sông Trà mới mang trong lòng một loài nhuyễn thể đặc biệt này mà chẳng nơi nào có được.

Dầm mình cào don

Thợ “săn” don trên dòng Trà Khúc ảnh 4

Don vừa được bắt lên

Những ngày đầu tháng 7, dưới cái nắng thiêu đốt của miền Trung, ở cuối dòng sông Trà mênh mông là hình ảnh những người đàn ông, đàn bà đang hì hục cào don với khuôn mặt khắc khổ, da đen sạm, đội chiếc nón lá rộng vành để che bớt cái nắng. Dụng cụ của một người cào don gồm một cái nhũi, hai chiếc rổ, một ghe nhôm và một bao tải nhỏ. Họ thức dậy trước 5h sáng, chuẩn bị cơm nước mang theo và ra sông khi bình minh chưa ló dạng và trở về nhà lúc chiều tà.

Trải qua gần nửa thế kỷ “ăn sông ngủ nước” cùng don, ông Dương Năm Bời (60 tuổi trú xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi) cho biết, ở xứ ven sông này trẻ con lớn lên nhờ con don. “Khi còn nhỏ tôi đã theo cha đi cào don. Hết lớp đến lớp, từ đời này sang đời khác và trở thành nghề “độc quyền” của người dân Quảng Ngãi. Dòng sông Trà như bầu sữa mẹ nuôi sống biết bao thế hệ người dân mưu sinh bằng nghề sông nước…”, ông Bời trải lòng.

Thợ “săn” don trên dòng Trà Khúc ảnh 5

Dụng cụ cào don. Ảnh: NN

Cào don là công việc khá nặng nhọc, dành cho những người có sức khỏe tốt, dẻo dai. Để cào don thành thạo, có người chỉ học nghề vài ngày nhưng cũng có người có khi đến 2 tháng. Và cũng có rất nhiều người bỏ nghề ngay từ mẻ cào đầu tiên vì không đủ kiên nhẫn và sức khỏe. “Để học được nghề cào don người nhanh thì từ 5 ngày đến một tuần, người chậm có khi đến 2 tháng. Cũng có người bỏ nghề vì cào don đòi hỏi tính cần cù, kiên nhẫn. Nhìn thì đơn giản vậy đó, chứ để bắt được con don gian nan lắm. Ban đầu tôi theo cha đi chơi, riết rồi thấy ghiền cái nghề ngâm mình dưới nước này. Mất cả năm trời “học việc” tôi mới biết cào don đấy”, ông Bời cười nói.

Theo các bậc cao niên, con don chỉ ở nước lợ, vùi thân trong cát, ăn toàn phấn hương nơi thượng nguồn theo nước đổ về nên cùng với cá bống, don là loài thủy sản sạch nhất sông Trà này. Tôi thắc mắc: “Cũng cùng một loài gần giống nhau mà sao don thì “cào”, hến lại “xúc”?”. Ông Bời giải thích: “Hến ở nước ngọt, nằm trên cạn nên “xúc” là được, còn don ở nước lợ, nằm sâu trong cát nên “cào” thì mới bắt được nó, thịt don chắc, ngọt, thơm và đậm vị hơn hến”.

Nhìn đồng hồ đã chỉ sang gần 10h sáng, nhiệt độ tăng dần, ông Nguyễn Ngọc Thủy (trú xã Nghĩa Hà) rửa mẻ don cuối cùng, thu gom dụng cụ cào don lên chiếc thuyền bằng nhôm rồi hướng mũi về phía bờ nam sông Trà. Chỉ vào chiếc thau đựng don, ông Thủy nói: “hôm nay được gần 30 lon, ít hơn mọi hôm. Nghề này thu nhập thì vô chừng lắm, có khi một, hai trăm nghìn, có ngày khá hơn thì bốn trăm nghìn”.

Lon là đơn vị tính của dân chuyên làm nghề cào don trên sông Trà. Cứ đong gần 4 lon sữa bò thì được khoảng 1kg don. Thói quen lâu nay của dân vùng sông nước này không gọi ký mà là tính bằng lon mỗi khi nói đến “thành quả” sau nhiều giờ ngâm mình trong nước. “Nắng đến mức có thể cảm nhận nước dưới sông nóng dần lên. Mặt trời trút lửa trên đầu, nước dưới sông thì hầm hập theo con nước thủy triều rút xuống. Trên nắng, dưới nóng, rút quân chứ không chịu thấu”, ông Thủy nói lý do thu gom dụng cụ cào don ra về.

So với các nghề sông nước khác, nghề này tuy thu nhập cao hơn nhưng gặp không ít rủi ro. Nhiều người khi đang cào don giẫm phải mảnh chai vỡ, có khi bị chuột rút chân, sụp xuống vùng nước xoáy… Thường xuyên dầm người dưới nước, tay chân của những “thợ săn” don có màu xanh tái, chi chít sẹo dọc ngang lớn nhỏ, kỷ niệm của những lần đụng phải mảnh chai vỡ. Đổi lại những vất vả đó là rổ don đầy, nguồn thu chính của gia đình.

Xòe đôi bàn tay chai sần, đầy vết sẹo, ông Nguyễn Hòa cho biết đó là “kỷ niệm” của những lần đụng phải mẻ chai. Có không ít người suýt bỏ mạng. Dẫu hiểm nguy nhưng người dân ở ven sông Trà Khúc quyết giữ nghề cha ông để lại. Đối với chúng tôi nỗi lo lớn nhất hiện nay là con don ngày một ít dần. “Món don đã trở thành đặc sản Quảng Ngãi. Mong cho môi trường sông nước trong lành để con don sinh sôi nảy nở, để giữ tiếng thơm món don xứ Quảng bao đời”, ông Hòa nói.

Từ con don bé tí, người Quảng Ngãi đã làm nên món ăn nức tiếng gần xa, in mãi trong tâm trí những người con xa quê và làm say lòng bao thực khách. Don bây giờ thành đặc sản, dù không là cao lương, sơn hào hải vị, mà là món ngon đậm đà tình quê. Món don được chế biến không cầu kỳ, khó nhất là làm sạch don cho hết đất cát lòng sông và đãi lấy ruột, rồi cứ thế thêm gia vị, hành tỏi và ăn với bánh tráng là có một bát don thanh ngọt. Món don như đặc tính của người đất Quảng, không cầu kỳ, không đắt đỏ, cái ngon tự nhiên đến từ vị ngọt thanh lạ của con don trên mảnh đất quê hương đã tạo nên một đặc sản, một niềm tự hào của ẩm thực Quảng Ngãi.

NGUYỄN NGỌC


Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/tho-san-don-tren-dong-tra-khuc-post1652717.tpo