Nhận định ban đầu về hiện tượng giếng khoan tự phun ở Gia Lai

23

tienphong.vn

TPO – Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (Liên đoàn) nhận định, hiện tượng hỗn hợp nước, khí tự phun tại giếng khoan xảy ra khá lâu (2 ngày) sau thời điểm xảy ra các trận động đất có độ lớn 5.0 ở Kon Tum và rất ít có khả năng liên hệ với nhau. Khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí.

Nhận định ban đầu về hiện tượng giếng khoan tự phun ở Gia Lai ảnh 1

Giếng khoan đã phun gần 1 tháng chưa có dấu hiệu dừng

Ngày 21/8, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia) cho biết, đã có báo cáo thông tin kết quả khảo sát lỗ khoan tự phun tại xã Ia Kly, huyện Chư Prông, Gia Lai.

Kết quả khảo sát xác định lượng nước và hỗn hợp khí phun cao khỏi miệng lỗ khoan có lưu lượng khoảng 0,2 – 0,3 lít/s; nước có chất lượng khá tốt, hầu hết các thông số phân tích nằm trong giá trị giới hạn theo tiêu chuẩn.

Liên đoàn nhận định, hiện tượng hỗn hợp nước – khí tự phun tại giếng khoan xảy ra khá lâu (2 ngày) sau thời điểm xảy ra các trận động đất có độ lớn 5.0 ở Kon Tum và rất ít có khả năng liên hệ với nhau. Khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một túi khí. Nguồn gốc, đặc điểm khí chưa xác định chính xác, cần được nghiên cứu chi tiết bằng các nghiên cứu chuyên sâu. Nước trong hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí.

Chất lượng nước và khí chưa ghi nhận các chỉ tiêu cảm quan (màu sắc, mùi, vị) của các thành phần nguy hại đến sức khỏe người dân; nước có chất lượng tốt với các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ngầm.

Bởi vậy, có thể nhận định nước trong lỗ khoan có nguồn gốc cung cấp từ nước mưa, thông qua quá trình cung cấp ngấm trực tiếp từ trên mặt đất, qua các tầng đất đá thấm nước, ít có khả năng là nước chôn vùi trong các mỏ ở các cấu trúc nằm sâu bên dưới lòng đất hoặc các nguồn gốc nội sinh khác.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn, để kết luận chính xác cần được dựa trên các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu khác.

Trước đó, khoảng tháng 4/2023, ông Đàm Xuân Hòa (trú xã Ia Ia Kly, huyện Chư Prông) đã khoan 2 lỗ khoan (một lỗ sâu 130m và 1 lỗ 170m) cách nhau khoảng 40m, nhưng đều không có nước. Tại khu vực này có khoảng 10 lỗ khoan sâu từ 100-150m nhưng cũng đều không có nước.

Đến ngày 30/7, từ lỗ khoan 170m, ông khoan thêm đến độ sâu 186m thì bộ dụng cụ khoan nặng khoảng 2,1 tấn (đang trong lỗ khoan) bị lực nâng lên. Ông Hòa đã dừng khoan, kéo bộ dụng cụ ra khỏi lỗ khoan. Lúc này, hỗn hợp khí – nước phun cao hơn mặt đất trên 10m. Khi mới phun, nước có mùi đất đèn.

Tiền Lê


Nguồn bài viết:
https://tienphong.vn/nhan-dinh-ban-dau-ve-hien-tuong-gieng-khoan-tu-phun-o-gia-lai-post1665733.tpo