Người con của làng

6

baokontum.com.vn

Tháng 3/2024, tôi may mắn được đi cùng anh Hà Ban (nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương) lên dự Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994 – 24/3/2024). Trên đoạn đường Trường Sơn xuyên qua những cánh rừng già hun hút của đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, tôi được anh chia sẻ những ký ức thời trai trẻ.

Anh Hà Ban bồi hồi kể lại: Tháng 5/1985, nhằm nắm bắt tình hình ở cơ sở, Tỉnh ủy Gia Lai – Kon Tum chủ trương đưa cán bộ của tỉnh tăng cường về các xã, nhất là vùng sát biên giới và những nơi có Fulro hoạt động. Lúc bấy giờ tôi là Phó trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được tăng cường về huyện Sa Thầy, đến đầu tháng 6/1985, Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy phân công tôi về công tác tại xã Sa Loong (nay thuộc huyện Ngọc Hồi), đây là xã biên giới cách trung tâm huyện 15 km về phía Tây Bắc chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng sinh sống.

Với chức danh Chi ủy viên Chi bộ xã Sa Loong, nhưng có vai trò theo dõi giúp đỡ chi bộ trong việc thực hiện chủ trương của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, anh Hà Ban tích cực hoạt động, thâm nhập thực tiễn, chẳng bao lâu anh đã nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của bà con, nói hiểu thông thạo ngôn ngữ của đồng bào nên được bà con trân trọng mến phục.

100621%C4%90%E1%BB%93ng%20ch%C3%AD%20Ha%20Ban%20(th%E1%BB%A9%205%20t%E1%BB%AB%20ph%E1%BA%A3i%20sang%20tr%C3%A1i)%20trong%20m%E1%BB%99t%20l%E1%BA%A7n%20%C4%91%E1%BA%BFn%20tham%20gia%20%C4%91%C3%ACnh%20%C3%B4ng%20A%20Kh%C3%B4ng%20B

Đồng chí Hà Ban trong một lần đến thăm gia đình ông A Không B. Ảnh: H.S

 

Ban ngày đi đến các buôn làng nắm tình hình đời sống sinh hoạt của bà con, tối đến về nhà rông để ngủ. Do tình hình Fulro hoạt động nhiều nên bà con thấy nguy hiểm. Bấy giờ, già làng A Không B muốn nhận anh làm con nuôi để có điều kiện bảo bọc, che chở.

Già làng A Không B, người Xơ Đăng, sinh năm 1932, tham gia bộ đội từ năm 1954, sau ngày giải phóng đã từng làm Chủ tịch UBND xã Sa Loong. Một hôm, ông nằm mơ thấy Giàng mách rằng anh Hà Ban là người tốt, là con của ông và ông báo với Huyện ủy cho ông được nhận anh làm con nuôi. Để bảo đảm sự an toàn cho anh và thuận lợi trong hoạt động tiếp cận với bà con, cấp trên đồng ý.

Già làng A Không B đã tổ chức nghi thức nhận con nuôi theo tập tục của người Xơ Đăng. Họ tổ chức cúng Giàng bài bản, có đông đảo bà con trong dòng họ tham dự chứng kiến. Vợ ông nặn sữa vào ly làm phép để anh Hà Ban uống, thể hiện sự nuôi dưỡng của người mẹ, tài sản được chia gồm: 1 chiếc áo thổ cẩm truyền thống, 1 chiếc gối, 1 chiếc chiếu, 1 tấm đắp và 1 gói cơm. Trao lễ vật xong, anh trở thành thành viên của gia đình, mãi gắn bó như người một nhà.

Kể từ đó, anh Hà Ban được già làng A Không B che chở, bà con dân làng ai cũng thương yêu mến phục, anh nghiễm nhiên thành đứa con yêu quý của làng, mọi hoạt động của anh đều xuất phát từ tấm lòng và đem lại lợi ích cho bà con dân làng. Những buổi nói chuyện, những cuộc học tập nghị quyết được anh truyền đạt trôi chảy, liên hệ thực tế cụ thể sống động làm cho mọi thế hệ cán bộ và bà con ở Sa Loong thương yêu mến phục.

100642%C3%94ng%20A%20Kh%C3%B4ng%20B

Ông A Không B. Ảnh: HS

 

Đây chính là nền tảng và thực tiễn sinh động để anh phát triển, trưởng thành rồi trở thành cán bộ chủ chốt của tỉnh Kon Tum và của Trung ương sau này. Dù làm cán bộ cấp nào hay ở đâu, anh Hà Ban luôn thương yêu quý mến làng và gia đình đã từng gắn bó với anh một thời trai trẻ. Mỗi lần đi ngang qua Ngọc Hồi anh đều ghé thăm. Không chỉ riêng anh mà mỗi khi Tết đến, Xuân về, vợ và các con anh cũng thường ghé thăm gia đình già A Không B.

Tháng 3 vừa rồi, tôi có dịp cùng anh Hà Ban về Sa Loong thăm già làng A Không B. Câu chuyện xảy ra đã 40 năm nhưng tình cảm của gia đình già làng và bà con dân làng vẫn dạt dào sâu đậm, họ đón chào anh như một người con yêu quý đi xa trở về. Trong không khí ấm áp của gia đình, tôi nghe tiếng gọi “anh Hai” rất thân mật, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống và sự tiến bộ của từng người con trong gia đình rất gần gũi thiết thân.

Tôi nghe ông A Không B nói: “Con về sao không tin cho cha hay để thịt con heo ăn mừng”, rồi ông sai các con đi mua thịt nướng về làm tiệc, một cốc bia và xiên thịt heo rừng nướng thơm lừng, ấm áp làm sao! Không khí đầm ấm của gia đình lan tỏa đến từng thành viên và cả tôi. Anh Hà Ban hỏi thăm từng người con, người cháu trong gia đình và hướng dẫn cách theo học, thi cử để phát triển sau này. Anh bảo ai có nguyện vọng học đại học ở Đà Nẵng thì xuống nhà anh ở để được giúp đỡ.

“Nhìn con cháu trong gia đình khoẻ mạnh và có cuộc sống ổn định mình cảm thấy rất vui và yên lòng” – anh tâm sự.

Chúng tôi chia tay già làng A Không B, chia tay ngôi làng của xã Sa Loong nơi biên giới với nhiều cung bậc cảm xúc thật khó diễn tả. Với tôi, đây là một chuyến đi đầy lưu luyến và kỷ niệm khó quên.            

Hà Sáu


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/nguoi-con-cua-lang-42226.html