Doanh nhân với chuyển đổi số

8

baokontum.com.vn

Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay, bên cạnh sự vinh danh, chủ đề được bàn thảo nhiều nhất chính là doanh nghiệp, doanh nhân với chuyển đổi số.

Có thể, một phần vì Ngày Doanh nhân và Ngày Chuyển đổi số quốc gia sát nhau trong tháng 10, nhưng chủ yếu vẫn là đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với doanh nghiệp và doanh nhân trong thời kỳ hội nhập.

Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với đất nước.

Hòa chung sự lớn mạnh ấy, doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh ta không ngừng phát triển, ngày càng mạnh về tài chính, vững về phẩm chất, năng động, sáng tạo, bản lĩnh để góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển bền vững.

162519Chuy%E1%BB%83n%20%C4%91%E1%BB%95i%20s%E1%BB%91%20gi%C3%BAp%20doanh%20nghi%E1%BB%87p%20m%E1%BB%9F%20r%E1%BB%99ng%20kh%E1%BA%A3%20n%C4%83ng%20thu%20h%C3%BAt%20v%C3%A0%20gi%E1%BB%AF%20ch%C3%A2n%20kh%C3%A1ch%20h%C3%A0ng.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Ảnh: H.L

 

Theo ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có hơn 4.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, khoảng 315 hợp tác xã và hàng nghìn hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm, đã có 226 doanh nghiệp gia nhập thương trường với tổng vốn đăng ký khoảng 1.642 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023; có 50 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.

Doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2024 của tỉnh đạt 7,34%, đứng thứ 27 cả nước và duy trì vị trí cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.

Đặc biệt, sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang đem lại doanh nghiệp, doanh nhân đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Vì vậy, chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã chủ động nắm bắt, ứng dụng và làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, tạo dựng thương hiệu; tiên phong trong chuyền đổi xanh, chuyển đổi số.

Tính đến tháng 12/2023, số doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số là 294 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65%); doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số là 86 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 19%).

Chuyển đổi số là yêu cầu, xu hướng tất yếu, khách quan để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Ảnh: HL

 

Số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%. Trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

Nếu không tận mắt chứng kiến, tôi sẽ không tin rằng, ở chốn thâm u đại ngàn trên dãy núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ này, lại có sự hiện diện của công nghệ 4.0.

Những công nhân của một doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh quản lý, chăm sóc các vườn sâm Ngọc Linh với sự hỗ trợ đắc lực của thiết bị công nghệ, từ hệ thống điện chiếu sáng đến thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm và dinh dưỡng của mùn.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, chăm sóc vườn sâm giúp công việc của chúng tôi trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm chi phí nhân công, giám sát được quá trình sinh trưởng của cây sâm, đảm bảo chúng  khỏe mạnh, phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.

Hay Công ty TNHH Hòa Nghĩa (thành phố Kon Tum) đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, thông qua đầu tư dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động.

Nền tảng quản trị doanh nghiệp tổng thể được ứng dụng, cho phép doanh nghiệp sử dụng mọi dịch vụ, từ quản trị nhân sự, kế toán, đến bán hàng, kê khai thuế một cách nhanh chóng, với chi phí thấp.

Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ như vậy để chứng minh cho việc doanh nghiệp, doanh nhân đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cũng như hiệu quả có được từ chuyển đổi số.

Hiện nay ở tỉnh ta, chuyển đổi số đã diễn ra hầu hết các loại hình doanh nghiệp và ở nhiều mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn còn ở giai đoạn “dò dẫm” chuyển đổi số. Không ít doanh nhân vẫn cho rằng, chuyển đổi số chỉ cần tập trung vào công nghệ là đủ. Một số khác cho rằng mua phần mềm, công nghệ về là đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Vì vậy, đối với các doanh nghiệp trong tỉnh, chuyển đổi số đứng trước nhiều thách thức cần được giải quyết để quá trình này đạt được hiệu quả.

Cần xác định rõ rằng, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế – xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại

Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Nhưng muốn vậy, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy doanh nhân, từ chiến lược, tư duy truyền thống sang chiến lược, tư duy kinh doanh công nghệ số hiệu quả. Không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, từ quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất đến marketing, bán hàng và thanh toán. Từ đó thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh để đem đến hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn.

Đồng thời thay đổi về văn hóa của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại, và phải chấp nhận cả những thất bại .

Chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển.   

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/doanh-nhan-voi-chuyen-doi-so-43469.html