baokontum.com.vn
02/08/2024 13:03
Trong những năm qua, huyện Kon Rẫy đã triển khai đồng bộ các chương trình, chiến dịch và các chính sách về dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đến đồng bào DTTS trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về DS-KHHGĐ.
Xã Đăk Tơ Lung hiện có khoảng 2.810 người, trong đó, đồng bào DTTS chiếm hơn 95% dân số. Trước đây, xã có nhiều cặp vợ chồng tảo hôn, sinh nhiều con. Nhiều cặp vợ chồng người DTTS do tâm lý e ngại không đến trạm y tế xã để được tư vấn các biện pháp tránh thai nên đã xảy ra tình trạng sinh con ngoài ý muốn.
Anh Đào Trọng Hòa – cán bộ chuyên trách dân số Trạm Y tế xã Đăk Tơ Lung cho biết, phụ nữ sinh con quá sớm hoặc quá muộn (khi tuổi đã cao), sinh dày, sinh nhiều không chỉ để lại những hậu quả về sức khỏe và tâm lý đối với bà mẹ, trẻ em mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Xuất phát từ thực tế đó, để nâng cao chất lượng dân số, trạm y tế xã đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung vào công tác truyền thông, tư vấn. Các hoạt động truyền thông về dân số được trạm triển khai đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức như thực hiện góc truyền thông và cung cấp dịch vụ tại trạm y tế, trường học; tuyên truyền qua loa truyền thanh, cổ động trực quan bằng băng rôn; họp nhóm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên mạng xã hội Zalo, Facebook.
Đồng bào DTTS được tư vấn sức khỏe sinh sản tại trạm y tế xã. Ảnh: N.S
Với sự đẩy mạnh tuyên truyền, nhận thức của nhiều bà mẹ trẻ, nhiều cặp vợ chồng DTTS về công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt. Hiện, xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 là 16%, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; có gần 300 người DTTS biết và áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tăng trên 10% so với năm trước.
Còn tại xã Đăk Kôi, để góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, xã đã thành lập câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3 trở lên và mô hình “Gia đình không sinh dày và không sinh nhiều con” được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Qua tham gia CLB, mô hình, nhiều chị em phụ nữ DTTS đã thay đổi cách nghĩ, nhận thức về việc sinh con thứ 3 trở lên, thực hiện KHHGĐ và sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại.
Từ đó, công tác dân số ở xã có chuyển biến, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm xuống đáng kể. Theo đó, hiện tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên trên địa bàn xã giảm còn 10,4%o (thấp hơn 1,6%o so với mặt bằng chung của huyện); tỷ lệ sinh con thứ 3 là 13%, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm 2023 (32,1%); tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai tăng từ 57,5% (năm 2023) lên 71,2% (6 tháng đầu năm 2024).
Chị Y Hiền (27 tuổi, ở thôn 3, xã Đăk Kôi) – thành viên CLB không sinh con thứ 3 trở lên xã Đăk Kôi chia sẻ: “Trước đây, người dân trong thôn nghèo một phần cũng vì sinh đông con, trẻ em không được đi học đến nơi, đến chốn. Bởi vậy, khi tham gia CLB của xã và được các cán bộ chuyên môn tuyên truyền, phổ biến các chính sách dân số nên vợ chồng tôi quyết tâm chỉ dừng lại 2 đứa con để có điều kiện chăm sóc con và phát triển kinh tế gia đình”.
Cán bộ chuyên trách dân số Trạm Y tế xã Đăk Tơ Lung tuyên truyền về các biện pháp tránh thai hiện đại. Ảnh: NS
Theo ông Nguyễn Luận – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Rẫy, để nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, những năm qua cùng với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể, còn có sự vào cuộc tích cực của lực lượng cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Hằng năm Trung tâm thường xuyên triển khai các đợt chiến dịch truyền thông tăng cường lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến vùng đồng bào DTTS có mức sinh cao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã phối hợp các địa phương truyền thông trực tiếp gần 50 buổi/4.775 lượt người nghe; có gần 300 lượt người đồng bào DTTS được cung cấp dịch vụ KHHGĐ; tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số với gần 50 người tham dự.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương xây dựng và duy trì hiệu quả các CLB, mô hình như: CLB không sinh con thứ 3 trở lên ở xã Đăk Tờ Re, Đăk Ruồng và Đăk Pne; mô hình “Gia đình hạnh phúc” ở xã Đăk Ruồng, “Gia đình không sinh dày và không sinh nhiều” ở xã Đăk Tờ Re.
Nhờ đó, công tác dân số trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực, đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tốt nhất; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cơ bản được kiểm soát; công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được cải thiện. Đến nay, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên của huyện là 12%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 21,3%, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023; có gần 2.800 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 100% kế hoạch được giao trong năm 2024.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, làm tốt công tác truyền thông về các chính sách dân số, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng dân số, trong đó, hướng tới đối tượng thụ hưởng là người đồng bào DTTS. Tiếp tục xây dựng những mô hình gia đình ít con, con cái được đi học, chăm lo sức khỏe đầy đủ”- ông Nguyễn Luận cho biết.
Nay Săt
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/chuyen-bien-trong-cong-tac-dan-so-vung-dong-bao-dtts-42199.html