Vì sao động đất ở Kon Tum nhưng TP.HCM, Campuchia, Thái Lan… cảm nhận được rung chấn?

77

thanhnien.vn

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, 11 giờ 35 hôm qua 28.7, tại H.Kon Plông (Kon Tum) xảy ra trận động đất mạnh 5 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Cấp độ rủi ro tại khu vực tâm chấn và lân cận tọa độ trận động đất là cấp 2.

Vì sao động đất ở Kon Tum nhưng TP.HCM, Campuchia, Thái Lan… cảm nhận được rung chấn?- Ảnh 1.

Mảng tường của một hộ dân tại xã Đăk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum) bị vỡ sau trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 ngày 28.7

Trận động đất 5 độ Richter có thể gây ảnh hưởng hàng trăm km

Theo phản ánh, người dân các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Phú Yên, thậm chí cả TP.HCM cũng cảm nhận được rung lắc từ trận động đất này. Truyền thông Thái Lan, Campuchia thì đưa tin, người dân một số tỉnh vùng đông bắc Thái Lan và tỉnh Ratanakkiri của Campuchia cũng cảm nhận được rung chấn do trận động đất cường độ 5 độ Richter xảy ra lúc 11 giờ 35 ngày 28.7 ở Kon Tum, Việt Nam.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết với một trận động đất có độ lớn lên đến 5 độ Richter thì bán kính ảnh hưởng lan ra hàng trăm km. Vì thế, người dân ở TP.HCM và tại Thái Lan, Campuchia cảm nhận được rung chấn trong khi động đất xảy ra ở Kon Tum là bình thường.

“Sự việc này cũng giống như việc người dân ở một số khu vực Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc do động đất từ bên Thái Lan, Lào, Vân Nam (Trung Quốc) trong khoảng vài chục năm gần đây. Gần đây, ngày 27.7.2020, tại H.Mộc Châu, Sơn La xảy ra động đất mạnh 5,3 độ Richter, rung chấn lan đến Hà Nội khiến nhiều tòa nhà cao tầng rung lắc”, TS Nguyễn Anh Xuân cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Anh Xuân, có nhiều yếu tố tác động tới việc cảm nhận được độ rung lắc ở địa phương này do ảnh hưởng động đất từ địa phương khác: cường độ, độ sâu chấn tiêu, khoảng cách, nền đất, độ cao công trình xây dựng… Có những địa phương tùy ở gần nơi xảy ra động đất hơn nhưng vì nền đất khỏe nên không bị rung lắc, trong khi những nơi tuy ở xa hơn nhưng nền đất yếu nên cảm nhận được. Đặc biệt, nền đất yếu cộng thêm yếu tố có nhiều công trình xây dựng quy mô lớn (có khối lượng xây dựng lớn đè lên nền đất), nhà cao tầng… thì càng dễ bị ảnh hưởng.

Cần tuyên truyền, nâng cao kỹ năng cho người dân

TS Nguyễn Anh Xuân cũng cho biết, dự báo động đất kích thích tại Kon Plông (do ảnh hưởng của việc xây dựng các công trình thủy điện) kéo dài trong nhiều năm, có thể là 10 năm. Như vậy, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ Richter. Sau đó, lòng đất sẽ ổn định, không còn hoạt động sinh chấn trong lòng đất, thì sẽ không xảy ra động đất.

Vì thế, trước hết, UBND các xã, thị trấn vùng tâm chấn cần tuyên truyền để nâng cao kỹ năng phòng, chống động đất cho người dân. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tiến hành đánh giá thiệt hại, rà soát các công trình yếu có nguy cơ bị ảnh hưởng từ động đất và đưa ra giải pháp bảo đảm an toàn.

Động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm, khu dân cư…

Cũng như Hà Nội, TP.HCM là khu vực có nhiều công trình xây dựng quan trọng, nhiều nhà cao tầng nhưng chưa có một trạm đo độ rung lắc nào. Việc lắp đặt những hệ thống quan sát ở những nhà cao tầng ở một số khu vực nguy hiểm để ta có thể lượng hóa được hoạt động động đất tại TP.HCM là nên làm.

Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/vi-sao-dong-dat-o-kon-tum-nhung-tphcm-campuchia-thai-lan-cam-nhan-duoc-rung-chan-185240729172036545.htm