Chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS rất ít người

2

baokontum.com.vn

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Brâu và Rơ Măm, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tăng cường niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Đồng bào dân tộc Rơ Măm có 192 hộ với 625 khẩu, đang sinh sống tập trung tại làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy. Trước đây, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn, giao thông đi lại còn nhiều cách trở. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức còn lạc hậu.

Những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước cùng các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư để bà con Rơ Măm hướng đến phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Về với làng Le hôm nay chúng ta có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, hình thành trục giao thông chính dọc tuyến biên giới ngang qua làng Le; hệ thống lưới điện quốc gia đã phủ đến từng hộ dân; hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất được đầu tư.

Cùng với đó, con em đồng bào Rơ Măm được đến trường học và được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, từ đó, đời sống đồng bào nơi đây được cải thiện và nâng lên, nhiều gia đình đã có ti vi, đài để xem, nghe tin tức, có điện thoại để kết nối thông tin liên lạc, có xe máy để đi lại. Có hộ còn mua được xe công nông, xe ô tô tải để phục vụ sản xuất, vươn lên làm giàu.

161357A3

Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Brâu ngày càng được cải thiện. Ảnh: SN

 

Hàng năm, người dân nơi đây được hỗ trợ về cây, con giống; được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm trực tiếp hướng dẫn về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ những nỗ lực không ngừng của bà con và chính quyền địa phương, năng suất các loại cây trồng, vật nuôi được cải thiện. Hiện nay, đồng bào Rơ Măm trồng gần 110ha điều, khoảng 60ha lúa nước và lúa rẫy, 5ha cây ăn quả, trên 90ha cao su. Tổng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 1.200 con.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le A Thái, cho biết: “Trước kia, bà con Rơ Măm có cuộc sống rất vất vả. Giờ đây, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư bê-tông hóa đường giao thông, việc giao thương đã trở nên dễ dàng. Từ đó, bà con có thêm động lực, niềm tin để vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.

Khi đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, đồng bào Rơ Măm bắt đầu có điều kiện để bảo tồn, khai thác lợi thế, bản sắc văn hóa, ngành nghề truyền thống phục vụ nhu cầu cuộc sống. Được Ban Dân tộc tỉnh mở các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm, phụ nữ Rơ Măm ở làng Le đã cùng nhau dệt thổ cẩm, tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt để trao đổi hàng hóa và bán kiếm thêm thu nhập.

Đồng chí Dương Quang Phục- Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: “Thời gian qua được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cuộc sống của bà con dân tộc Rơ Măm có sự thay đổi rất lớn, ngày càng cải thiện, thu nhập được nâng cao, văn hóa được gìn giữ và phát triển. Giờ đây, những phong tục, hủ tục cũng dần được phá bỏ. Đời sống văn hóa cũng như tinh thần của bà con có sự thay đổi rõ rệt”.

Dân tộc Brâu có 174 hộ với 546 khẩu, là cộng đồng dân tộc rất ít người hiện đang sinh sống tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi. Nhằm bảo tồn, phát huy những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của dân tộc Brâu, Bảo tàng-Thư viện tỉnh đã khảo sát, gặp gỡ trao đổi với  trưởng thôn, già làng, người có uy tín để thống nhất phục dựng những lễ hội tiêu biểu không còn tồn tại trong cộng đồng.

161323A1

Phục dựng Lễ cúng trỉa lúa của người Brâu. Ảnh: S.N

 

Phó Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh Nguyễn Văn Quang chia sẻ, qua khảo sát đã thống nhất tiến hành phục dựng đầy đủ các hoạt động của lễ hội trỉa lúa của người Brâu. Đây là lễ hội nổi bật mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, phản ánh những ước mong, hy vọng mộc mạc của người Brâu về một vụ mùa bội thu.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển, nâng cao vị thế của hai dân tộc trên, với tổng kinh phí gần 160 tỷ đồng. Có thể kể đến các đề án như: Tập trung giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Brâu và Rơ Măm một cách bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại làng Đăk Mế và làng Le.

Đồng chí U Huấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết, đồng bào các DTTS của tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc Brâu và Rơ Măm nói riêng, đã thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để đầu tư chuyển đổi các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Qua đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm. Đồng thời tích cực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Sự thay đổi trong đời sống, kinh tế-xã hội của các cộng đồng dân tộc trên đã khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước đã từng bước đi vào cuộc sống. Từ đó, giúp cộng đồng các DTTS rất ít người phấn đấu giảm nghèo, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Song Ngân


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xa-hoi/cham-lo-doi-song-cho-dong-bao-dtts-rat-it-nguoi-44773.html