Phát huy lợi thế của 'thủ phủ sầu riêng' như thế nào?

1

thanhnien.vn

Khu vực Tây nguyên (gồm các tỉnh: Đăk Lắk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng và Kon Tum) được đánh giá cao về thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Đây là vùng đất đã và đang hình thành những vùng chuyên canh về nhiều loại cây trồng lớn của Việt Nam.

Hiện cây cà phê ở khu vực Tây nguyên có diện tích gần 668.000 ha, chiếm hơn 90% diện tích cà phê cả nước; diện tích cao su lớn thứ 2 sau Đông Nam bộ với hơn 250.000 ha, chiếm 26% diện tích cả nước; hồ tiêu 90.000 ha, điều 83.000 ha, chanh leo 6.700 ha… Tây nguyên hiện có trên 4 triệu gia súc, 30 triệu gia cầm; khai thác trên 700.000 m3 gỗ rừng trồng/năm.

Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, diện tích sầu riêng Tây nguyên tăng nhanh với gần 75.000 ha, đang đứng đầu cả nước, trong đó nhiều diện tích trong số này đã đến chu kỳ kinh doanh. Nhiều loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ… đang phát triển nhanh, hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn về cây dược liệu.

Tuy nhiên, vùng đất rộng lớn này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, nhiều sản phẩm chưa được chế biến sâu mang lại giá trị cao cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp.

Phát huy lợi thế của 'thủ phủ' sầu riêng như thế nào? - Ảnh 1.

Cà phê hiện là mặt hàng xuất khẩu tỉ đô của Tây nguyên

Tại hội nghị, các lãnh đạo, chuyên gia cùng các doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra những ý kiến, giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp khu vực Tây nguyên.

Theo ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, Tây nguyên đang có những mặt hàng chủ lực của quốc gia với giá trị xuất khẩu hàng tỉ đô la. Đã đến lúc nền nông nghiệp Tây nguyên cần xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ, mà cần tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị. Từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn ông Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho rằng cần có nhiều chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai cũng như Tây nguyên tham gia vào chuỗi giá trị về nông nghiệp.

“Bởi điều đó trước hết sẽ giúp thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân, tạo sinh kế bền vững. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh sinh thái tuần hoàn mang lại hiệu quả thì tác động lớn nhất là kinh tế của các gia đình sẽ được củng cố”, ông Dương Mah Tiệp nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau củ Việt Nam, đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa hiệp hội và các địa phương, thảo luận thống nhất nội dung phối hợp giữa địa phương và hiệp hội, ký các thỏa thuận hợp tác; cần cập nhật các thông tin cần thiết cho hoạt động kết nối đầu tư và kinh doanh và thiết lập kênh liên lạc và duy trì liên lạc thường xuyên để giải quyết các yêu cầu cũng như xử lý các phát sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Tây nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần có tư duy rộng mở hơn, không giới hạn đối với nông nghiệp. Cần xây dựng các vùng đệm cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản nhằm giảm thiểu rủi ro từ sự biến động của thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Cần có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc về chính sách…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý các doanh nghiệp cần quan tâm đến quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) của EU, dù quy định này sẽ lùi một năm, nhưng trong tương lai sẽ có tác động lớn đến ngành cà phê và gỗ xuất khẩu của Tây nguyên. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế phát triển bền vững, sẵn sàng vượt qua các rào cản thương mại và yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe.

Dịp này, UBND các tỉnh trong khu vực Tây nguyên đã trao 6 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp, 2 biên bản thỏa thuận nghiên cứu khảo sát giữa các Sở NN-PTNT và doanh nghiệp cùng 2 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.


Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/phat-huy-loi-the-cua-thu-phu-sau-rieng-nhu-the-nao-185241030152612638.htm