Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với tàu bay không người lái

8

cand.com.vn

Chiều 30/10, tiếp tục chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân. Chủ tịch nước Lương Cường dự phiên họp.

Taxi bay, motor bay có thể là thiết bị bay không người lái

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết, dự thảo Luật Phòng không nhân dân sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương với 55 điều, đã thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cấm chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh thiết bị bay không người lái -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

 Về khái niệm “Tàu bay không người lái”, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị giải thích khái niệm này đầy đủ hơn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện khái niệm, có tính bao quát đối với cả taxi bay, motor bay để thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Qua nghiên cứu các khái niệm của một số nước và quy định tại Công ước về Hàng không dân dụng năm 1944 (sử dụng thống nhất cụm từ “Tàu bay không người lái” – Điều 8 Công ước), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại khái niệm này bảo đảm phù hợp, đầy đủ, bao quát đối với cả những thiết bị bay khác không người lái có thể có trong tương lai như taxi bay, motor bay.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái

Về nội dung nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay khác (Điều 26), khẳng định, quy định về nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất… trong dự thảo luật phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành. Theo đó, Bộ Công Thương quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác nhưng đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy cần phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý hoạt động kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay khác; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quản lý về đăng ký, cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời. Đối với trường hợp xuất khẩu thì không quy định phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Cấm chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh thiết bị bay không người lái -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, bổ sung khoản 2 quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc cấp phép nhập khẩu, xuất khẩu tàu bay không người lái và phương tiện bay khác trong phạm vi quản lý” – Trung tướng Lê Tấn Tới nêu rõ.

Dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay khác.

“Bộ Quốc phòng sẽ căn cứ vào loại phương tiện, độ cao, tính chất hoạt động của tàu bay không người lái và phương tiện bay khác để phân cấp thẩm quyền cấp phép bay cho Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; bổ sung Bộ Công an cấp phép bay cho các chuyến bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay khác của Bộ Công an và phải thông báo cho Bộ Quốc phòng biết để quản lý vùng trời theo quy định” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.

Dự thảo quy định cấm chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, sở hữu, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác trái pháp luật; cấm sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay khác để mang thiết bị, vũ khí, vật liệu nổ, chất cấm trái pháp luật hoặc tuyên truyền, kích động, lôi kéo, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.

Đủ điều kiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu đánh giá, dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, giải trình theo hướng khái quát hơn, đáp ứng cơ bản yêu cầu về tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) đề nghị thể hiện rõ nội hàm phòng không nhân dân là hoạt động của toàn dân, do bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và quân nhân dự bị làm nòng cốt cùng với phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác chuẩn bị, ngăn ngừa, phòng tránh, đánh địch, khắc phục hậu quả địch đột nhập, tiến công đường không trong khu vực phòng thủ, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc; tuân thủ các nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.

Cấm chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, kinh doanh thiết bị bay không người lái -0
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp.

Quan tâm đến chế độ, chính sách đối với người được huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu rõ, khoản 1 và khoản 2 quy định cụ thể đối với những người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Theo đó, người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước khi được huy động tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng không nhân dân theo quyết định của cấp có thẩm quyền được Nhà nước chi trả tiền công lao động theo ngày huy động đảm bảo không thấp hơn mức tiền công hiện hưởng, trường hợp không có thu nhập ổn định thì đảm bảo không thấp hơn mức thu nhập trung bình tại địa phương và được hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe theo quy định của pháp luật.

Vậy người lao động tại doanh nghiệp khi tham gia hoạt động phòng không nhân dân được hưởng chế độ như thế nào? Chủ thể nào sẽ chi trả cho họ? Doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền công, tiền lương cho họ trong thời gian tham gia hoạt động phòng không nhân dân hay không? Băn khoăn với nội dung này, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị, quy định theo hướng: khi người lao động tại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền huy động tham gia hoạt động phòng không nhân dân thì được hưởng nguyên tiền lương, tiền công, các phúc lợi khác và doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình về các ý kiến đại biểu nêu. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp này.


Nguồn bài viết:
https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bo-quoc-phong-bo-cong-an-quan-ly-ve-dang-ky-cap-phep-bay-doi-voi-tau-bay-khong-nguoi-lai–i748778/