baokontum.com.vn
Thời gian qua, nhiều người trẻ DTTS đã phát huy tính sáng tạo, năng động, tham gia vào việc quản lý, quảng bá du lịch địa phương, góp phần phát triển ngành “công nghiệp xanh” của tỉnh.
Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất còn nhiều khó khăn, anh sớm thấu hiểu cuộc sống nhọc nhằn, vất vả của cha mẹ và người dân Măng Cành. Vì vậy, sau năm tháng lăn lộn với cuộc sống ở khắp nơi, anh A Nấc (34 tuổi, người Mơ Nâm – một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) quyết định trở về quê nhà làng Kon Chênh (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) với khát khao cùng bà con làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Khi trở về làng, anh A Nấc nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch nơi mình sinh ra. Người dân còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc thể hiện trong các lễ hội, nghi lễ dân gian như mừng lúa mới, cúng giọt nước; hoạt động biểu diễn cồng chiêng, xoang, hát dân ca, dệt thổ cẩm, đan lát được trao truyền qua nhiều thế hệ. Từ đó, anh muốn giới thiệu cho du khách trong và ngoài tỉnh biết đến và trải nghiệm, được hoà mình vào cuộc sống đầy sắc màu của người Mơ Nâm.
Không chọn cách làm một mình, anh A Nấc cùng nhiều người trẻ trong làng xây dựng ý tưởng, mong muốn phát triển một mô hình du lịch cộng đồng. Năm 2021, bắt tay vào thực hiện “công cuộc” làm du lịch, anh và vài bạn trẻ đã chỉnh trang môi trường, xây dựng các điểm du lịch homestay gắn với quảng bá, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc để đón du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Anh A Nấc (bên phải) phát triển du lịch từ văn hóa truyền thống của người Mơ Nâm. Ảnh: MV
Tại homestay của anh, khắp không gian từ trong ra ngoài đều được bày trí tinh tế tạo điểm nhấn đặc trưng văn hoá Mơ Nâm là những ghè rượu cần, bếp lửa, thổ cẩm, cồng chiêng. Phòng lưu trú giữ nguyên kiểu truyền thống của đồng bào nhưng được thiết kế bằng cách chia vách để tiện lợi cho du khách.
Anh A Nấc cho biết: Để làm du lịch, tôi cùng nhiều người trẻ tự học cách chế biến ẩm thực đặc trưng của người Mơ Nâm, học đánh cồng chiêng, đan lát và chụp ảnh, quay video để quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi còn đi vận động từng gia đình, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc làm du lịch cho người dân, hướng dẫn họ thay đổi nếp sinh hoạt gọn gàng, tập huấn để phục vụ, giao tiếp với du khách chuyên nghiệp hơn.
Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, nhiều gia đình trong làng thấy mô hình du lịch của anh A Nấc khả thi, họ dần ủng hộ hướng đi của chàng trai. Đến nay, anh đã phối hợp với các hộ dân tại làng xây dựng những đội nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang; đội dệt thổ cẩm, đan lát; đội nấu ăn, đón khách. Khi du khách đến làng, sẽ được thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Mơ Nâm, tham gia hoạt động đốt lửa trại kết hợp biểu diễn cồng chiêng, xoang; trải nghiệm cuộc sống thường ngày, quá trình lao động, sản xuất của bà con tại làng.
“Homestay của gia đình tôi hiện có lượng du khách khá ổn định, mỗi tháng có 2-3 đoàn, cao điểm 4 – 5 đoàn; mỗi đoàn 10 – 20 người. Khi du khách có nhu cầu, gia đình sẵn sàng phục vụ các món ăn truyền thống như gà nướng, cơm lam, heo đen địa phương, cá suối, rau rừng, rượu cần”- anh A Nấc chia sẻ.
Năm 2023, thực hiện chủ trương của UBND huyện Kon Plông về phát triển du lịch cộng đồng tại làng, anh A Nấc đã chỉnh trang lại homestay và đầu tư thêm đồ dùng phục vụ du khách. Cùng với đó, nhiều người trẻ khác trong làng cũng xây dựng homestay để phát triển du lịch. Đến nay, làng Kon Chênh có 3 hộ kinh doanh dịch vụ homestay; gần 10 hộ đang tích cực chỉnh trang nhà ở để đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, thời gian qua, anh A Nấc cùng thế hệ trẻ làng Kon Chênh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, đi trải nghiệm thực tế tại các điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu trong và ngoài tỉnh để có kinh nghiệm, thực hiện tốt mô hình và kỳ vọng sẽ đưa làng Kon Chênh trở thành làng du lịch cộng đồng và điểm du lịch được nhiều người yêu thích trong tương lai.
Anh Bloong Muôn quảng bá hình ảnh văn hóa truyền thống của dân tộc Gié – Triêng trên mạng xã hội. Ảnh: MV
Tương tự, anh Bloong Muôn (33 tuổi, dân tộc Gié – Triêng) đang thực hiện khát vọng trở thành người truyền cảm hứng, kết nối du lịch, đưa hình ảnh, vẻ đẹp của Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng nói riêng và xã Đăk Dục (huyện Ngọc Hồi) nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế.
Sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Răng, nơi giàu bản sắc văn hóa, con người thân thiện, chàng trai Bloong Muôn đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch từ tài nguyên văn hóa. Năm 2021, anh phối hợp với ông Brôl Vẻ – nghệ nhân ưu tú ở làng để xây dựng những sản phẩm du lịch, các điểm check-in đầy sắc màu trẻ trung tươi mới mà vẫn không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống, đặc trưng của cộng đồng người Gié – Triêng.
Đó là những nhà gỗ truyền thống nhuốm màu thời gian được chăm chút, bảo dưỡng cẩn thận, là con đường nội làng sạch mát giữa cây xanh, hoa dại, cả địa điểm lưu trú, nhà trưng bày văn hóa gây ấn tượng bởi cách trang trí đậm nét truyền thống, chất chứa những huyền tích từ thuở khai rừng lập làng.
Với mong muốn những điều độc, lạ, đẹp của làng được nhiều du khách biết đến, anh Muôn đã xây dựng hành trình khám phá và check-in vào tất cả các thời khắc đẹp trong ngày. Rồi tự mày mò, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng để chụp ảnh và làm video về cảnh đẹp, con người của làng Đăk Răng đưa lên mạng xã hội Facebook, Youtube. Thông qua những hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch, anh mong muốn đưa hình ảnh một ngôi làng bình yên, nhiều bản sắc và hạnh phúc đến gần hơn với du khách trong nước và thế giới.
Trang fanpage Facebook “Muôn Vlog” của anh Muôn thành lập từ năm 2021, đến nay trang có hơn 11.000 người theo dõi. Hơn 3 năm qua, anh đã sáng tạo trên 300 video, hình ảnh phản ánh về các nét văn hóa truyền thống của dân tộc Gié – Triêng tại làng Đăk Răng và các làng khác ở xã Đăk Dục, gồm những làn điệu dân ca, diễn tấu nhạc cụ truyền thống hay những cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ của cộng đồng.
“Là một người trẻ, có điều kiện tiếp cận với công nghệ và mong muốn gìn giữ, quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình, tôi đã tìm gặp nhiều nghệ nhân tại làng Đăk Răng và các làng khác ở xã Đăk Dục để ghi lại hình ảnh về những văn hóa đặc trưng. Sau đó chia sẻ lên một số nền tảng mạng xã hội và ngày càng được nhiều người quan tâm yêu thích. Đây là động lực để tôi tiếp tục sáng tạo thêm những nội dung phong phú, hấp dẫn để quảng bá rộng rãi văn hóa dân tộc”- anh Muôn vui vẻ nói.
Theo anh Muôn, cách quảng bá du lịch trên nền tảng mạng xã hội rất hiệu quả, tạo sự tiếp cận tới du khách rất nhanh chóng, độ phủ sóng rộng rãi. Từ đó, lượng khách tới du lịch làng Đăk Răng thời gian gần đây đông hơn, nhất là trong dịp đầu năm khi mà nơi đây nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa đặc sắc.
Có thể thấy, tuổi trẻ dám nghĩ, dám làm, luôn sáng tạo, đầy ắp ý tưởng với đam mê cháy bỏng, trái tim nhiệt huyết của anh A Nấc, Bloong Muôn hay rất nhiều bạn trẻ DTTS khác đang góp phần đưa hình ảnh Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy ngành “công nghiệp xanh” của tỉnh ngày càng phát triển.
Mai Vàng
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/nguoi-tre-dtts-tam-huyet-phat-trien-du-lich-44896.html