baokontum.com.vn
Thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động VH,TT&DL trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo ra nhiều “điểm sáng” trong lĩnh vực văn hóa, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa tinh thần của người dân.
Trong năm qua, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công nhiều hoạt động văn hóa lớn theo định kỳ như Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên; Tuần lễ VH-DL tỉnh; Liên hoan dân ca, dân vũ khu vực miền Trung- Tây Nguyên; Ngày hội VH,TT&DL các cấp. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp được quan tâm đầu tư xây dựng và hoạt động có hiệu quả. Toàn tỉnh có 82/102 xã, phường, thị trấn có công trình nhà văn hóa, hội trường đa năng và tương đương (đạt tỷ lệ 80,3%); 91/102 xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập thể thao, sân vận động (đạt 89,2%); 736/756 thôn có nhà văn hoá, hội trường và các công trình tương đương (đạt tỷ lệ 97,4%); có 633/756 thôn, tổ dân phố có khu thể thao (đạt tỷ lệ 83,7%).
Đặc biệt, tỉnh ta rất quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích nhằm góp phần trong công tác giáo dục truyền thống, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Hiện toàn tỉnh có 26 di tích được xếp hạng, gồm 20 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 2 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt.
Văn hóa truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy. Ảnh: HT
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như Nhà thờ Gỗ, Tòa Giám mục, Chùa Bác Ái được giữ gìn, tu bổ, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách tham quan.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được thực hiện hiệu quả, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân với 122.182/139.786 hộ đạt gia đình văn hóa (chiếm 87%); 723/756 khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa (chiếm 95%); 957/980 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023-2027 (đạt tỷ lệ 97,65%).
Lĩnh vực thể dục thể thao tiếp tục gặt hái được nhiều thành công khi thể thao quần chúng không ngừng phát triển và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo không khí sôi nổi, môi trường rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Các môn thể thao dân tộc, các phương pháp dưỡng sinh cổ truyền và các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, duy trì công tác huấn luyện các đội tuyển và đào tạo các lớp năng khiếu thể thao, từng bước phát triển hiệu quả thể thao thành tích cao.
Đến cuối năm 2024, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên địa bàn tỉnh đạt 33,5% dân số; số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao đạt 24% tổng số gia đình trên địa bàn.
Thời gian qua, lĩnh vực du lịch là một trong những “điểm sáng” quan trọng của ngành VH, TT&DL tỉnh khi liên tiếp gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, lượng khách đến tỉnh tăng và vượt chỉ tiêu hằng năm. Nếu như năm 2023, tỉnh Kon Tum đón hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 5.000 lượt khách quốc tế thì đến năm 2024, tổng lượt khách ước đạt 2,3 triệu, với số lượng khách quốc tế tăng lên 8.500 lượt. Tỉnh Kon Tum vươn lên đứng thứ hai trong khu vực Tây Nguyên về số lượt khách du lịch đến với tỉnh (chỉ đứng sau tỉnh Lâm Đồng), đây chính là sự bứt phá ngoạn mục ở lĩnh vực du lịch, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đặc biệt, Khu Du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung tầm nhìn đến năm 2045, là nền tảng để xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những trọng điểm về phát triển du lịch cả nước.
Nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức thành công đã giúp tỉnh ta quảng bá hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình. Ảnh: HT
Đến nay, tỉnh đã công nhận 13 điểm du lịch và 1 khu du lịch cấp tỉnh; sản phẩm và dịch vụ du lịch của tỉnh ngày càng phong phú và đa dạng, nhiều sản phẩm xây dựng được thương hiệu trong khu vực và cả nước. Tỉnh hiện đang tập trung xây dựng thương hiệu du lịch gắn với các sản phẩm đặc trưng như sâm Ngọc Linh, cà phê Đăk Hà và một số sản phẩm OCOP tiềm năng khác. Bên cạnh đó, tỉnh ta không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực phục vụ cho phát triển du lịch bền vững và hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhờ tận dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có, những kết quả đạt được trong các hoạt động VH,TT&DL thời gian gần đây sẽ trở thành tiền đề để giúp tỉnh ta tiếp tục thu hút hiệu quả đầu tư, vươn mình phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
HOÀNG THANH
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/nhieu-diem-sang-trong-hoat-dong-van-hoa-the-thao-du-lich-44855.html