Chị em phụ nữ DTTS tại làng Bar Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) và làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) từng bước bắt nhịp, thay đổi tư duy, học cách làm du lịch.
Sinh sống ở vùng đệm vườn Quốc gia Chư Mom Ray- nơi được thiên nhiên ưu đãi, nhưng tự bao đời nay, chị em phụ nữ ở làng Bar Gốc không mấy ai nghĩ đến việc phát triển du lịch cộng đồng. Bởi lẽ, làm du lịch cần hội tụ nhiều yếu tố, trong khi đó, chị em chủ yếu quẩn quanh với ruộng vườn, không vốn, thiếu kiến thức về du lịch.
Nhưng bây giờ chị em lại tràn đầy sự tự tin để bắt nhịp với phát triển du lịch. “Chị em mình được học, được hướng dẫn về cách tổ chức đón khách, nấu ăn, phục vụ du khách. Được mở mang kiến thức, chị em đổi thay nhiều so với trước, mạnh dạn giao tiếp, biết cách hướng dẫn, chỉ đường và sẵn sàng nấu ăn đón du khách”- chị Y Bayhm, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Bar Gốc nói về sự thay đổi.
Chị em học cách nấu thiết kế các bữa ăn. Ảnh: H.T
Từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2025, thực hiện gói hỗ trợ “Nâng cao năng lực phụ nữ và các DTTS trong dịch vụ du lịch, thương mại hóa du lịch nông thôn và dựa vào thiên nhiên thông qua các nền tảng truyền thông xã hội” trong khuôn khổ chương trình SGP II của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Trường Cao đẳng Du lịch Huế (thành phố Huế) đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình giúp chị em phụ nữ, người DTTS ở làng Bar Gốc và thôn Đăk Mế các kỹ năng cần thiết để làm du lịch.
Theo đó, giáo viên nhà trường đã đến tận nơi, tập hợp, tổ chức các lớp tập huấn cho khoảng 100 người dân tại 2 làng. “Ban đầu trước khi đi học, chị em cũng ngại ngùng lắm, phần vì bận việc ở rẫy, phần lại nghĩ học cũng không để làm gì. Nhưng sau nhiều buổi học thì thấy bổ ích. Mỗi đợt chị em ở làng lại được học các nội dung, kỹ năng khác nhau như cách chế biến món ăn đón khách, kỹ năng giao tiếp, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tại địa phương”- chị Bayh nói thêm.
Năng lượng tràn đầy, nhanh nhẹn trong giao tiếp chính là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với nhóm chị em ở thôn Đăk Mế. Vốn đã được tiếp cận với nhiều đoàn du khách đến làng trải nghiệm tham quan, tìm hiểu về làng nên chị em phụ nữ nơi này rất tự tin khi kể về làng. Họ giới thiệu về kiến trúc nhà rông truyền thống của dân tộc Brâu một cách lưu loát; nói về chiêng Tha với những am hiểu rất sâu sắc; giới thiệu những món ăn truyền thống rất hấp dẫn. Chị Y San, hội viên phụ nữ thôn Đăk Mế phấn khởi chia sẻ: Nhờ quá trình học cả đấy! Trước đây chị em cũng rụt rè lắm, không mạnh dạn như bây giờ đâu. Sau khi học như được tiếp thêm lửa, có thêm vốn từ trong giao tiếp, chị em tự tin hơn rất nhiều.
Chị em tham gia các lớp học. Ảnh: HT
Học kiến thức qua các lớp tập huấn và các chị cũng được “thực tập” khi nhà trường tổ chức các tour thực tế đi tham quan tại làng Bar Gốc, làng Đăk Mế, cột mốc ba biên, tham quan một số địa điểm du lịch tại Gia Lai. Nhớ lại các chuyến đi, chị Y San nói rằng, bản thân chị được đặt mình vào tâm thế của khách du lịch để biết khách cần gì, có nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống như thế nào.
“Từ khi tham gia lớp học đến nay, chị em trong thôn đã tổ chức cùng nhau nấu ăn, phục vụ cho các đoàn khách đến tham quan tại làng và có thêm thu nhập. Chị em cũng sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch đến các địa điểm trong làng”- chị San chia sẻ.
Không chỉ học các kỹ năng, chị em phụ nữ DTTS ở làng Đăk Mế cũng tranh thủ trồng rau sạch, nuôi gà bản địa để sẵn sàng phục vụ du khách khi có nhu cầu. “Bắt nhịp làm du lịch cộng đồng, giúp các chị thay đổi tư duy cũng như mạnh dạn học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá. Từ gói hỗ trợ của Trường Cao đẳng Du lịch Huế, chị em đã học được rất nhiều điều bổ ích, mở ra hướng đi mới giúp chị em phụ nữ DTTS vùng biên có cơ hội phát triển kinh tế bền vững hơn”- chị Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ngọc Hồi chia sẻ.
Để có thể phát triển du lịch và sống bằng du lịch là cả một câu chuyện dài. Và học chính là điểm bắt đầu trong hành trình dài đó. Giờ đây, khi được hỗ trợ, khi có các nền tảng cơ bản, chị em phụ nữ dễ bắt nhịp hơn khi ứng dụng vào thực tế.
Chia tay chúng tôi, chị Y Bayh cười thật thà: Khách du lịch đến làng còn hiếm lắm nên để phát triển và sống bằng du lịch chắc khó. Nhưng biết đâu được, nay mai, khách du lịch về làng nườm nượp thì sao. Nếu có thế thật thì bà con cũng sẵn sàng phân chia công việc, cùng hỗ trợ để làm du lịch, vì đã được học rồi mà.
Hoài Tiến