thanhnien.vn
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Huế, chị Trần Mai Vy về công tác tại huyện biên giới Sa Thầy. Quá trình làm cô giáo dạy học, chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu quần áo, phải đi đến trường bằng chân đất… chị Vy bỏ tiền túi mua áo quần, giày dép, đồ dùng học tập cho các em. Chị Vy chẳng nhớ nổi mình cùng chiếc xe máy đã chở bao nhiêu chuyến như thế từ phố về làng. Nhờ đó, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng biên giới Sa Thầy được hỗ trợ quần áo, dép, sách vở… để yên tâm học tập.
Cầu dân sinh do chị Trần Mai Vy cùng bạn bè kêu gọi gây quỹ xây dựng tại xã Đăk Pek (H.Đăk Glei, Kon Tum)
NGUYỄN ĐỨC AN QUỐC
Năm 2005, chị Vy lập gia đình rồi đón đứa con đầu lòng. Nhưng sau một trận sốt cao, cháu bé bị bại não. Chị như suy sụp hoàn toàn trước biến cố cuộc đời. Được sự động viên của gia đình, chị gượng dậy để tiếp tục sống, chăm sóc con. Năm 2009, chị chuyển công tác về Trường CĐ nghề Kon Tum trong sự tiếc nuối của bà con dân bản. Chị Vy hứa dù có bận rộn thế nào cũng vẫn sẽ tranh thủ quay trở lại vào ngày cuối tuần cùng những món quà mà các em nhỏ cần. Lời hứa ấy luôn được chị thực hiện trong những năm qua.
Năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện về cậu bé Lù Văn Chiến (7 tuổi, xã Nậm Khòa, H.Hoàng Su Phì, Hà Giang) bị liệt từ nhỏ, cha mẹ bỏ đi biệt tích. Chiến chỉ có thể dùng đôi tay kéo lê cơ thể mình. Điều may mắn hiếm hoi của cuộc đời Chiến có lẽ là tình thương của bà nội dành cho em.
Không cầm lòng trước số phận của đứa trẻ bất hạnh, dù chưa một lần đến Hà Giang nhưng chị Vy vẫn quyết định bắt xe ra tận nơi tìm Chiến. Sau đó, chị xin phép gia đình nhận Chiến làm con nuôi.
Lúc bấy giờ, chị Vy quen biết một bác sĩ đang làm việc tại Melbourne (Úc). Qua trao đổi, bác sĩ này biết hoàn cảnh của Chiến nên đồng ý tài trợ chi phí ăn ở, điều trị ở nước ngoài. Tháng 11.2019, chị Vy đưa Chiến sang Úc phẫu thuật. Người con trai đầu mắc bệnh hiểm nghèo không thể rời xa mẹ, vậy là chị đưa cả 2 con xuất ngoại. Cuộc phẫu thuật thành công, chị đưa các con về Kon Tum chăm sóc.
Bằng sự nỗ lực, nhiệt huyết, chị Trần Mai Vy đã góp phần thay đổi cuộc đời của nhiều trẻ em vùng cao
NGUYỄN ĐỨC AN QUỐC
Chị Trần Mai Vy cùng nhóm bạn thăm, tặng quà trẻ khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum
NGUYỄN ĐỨC AN QUỐC
Thời gian sau, chị xin nghỉ công tác giảng dạy chuyển sang kinh doanh để dành thời gian chăm sóc các con nhiều hơn. “Mình có con bệnh tật, lại nhận nuôi thêm đứa trẻ cũng ốm đau nên cần rất nhiều thời gian chăm sóc. Nhiều người trách mình chưa biết khổ hay sao mà còn rước phiền vào thân. Thế nhưng mình vẫn quyết tâm nuôi dạy, chăm sóc các con”, chị Vy tâm sự.
Sau những tháng ngày kiên trì tập vật lý trị liệu, Chiến đã có thể đứng vững trên đôi chân, chập chững những bước đầu tiên ở tuổi lên 7. Dần dần, cậu bé có thể đi nhanh hơn, rồi đạp xe quanh nhà, tự đi học, vui chơi cùng bạn bè. Không chỉ Chiến, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khác cũng được chị Vy đỡ đầu, hỗ trợ để vượt qua khó khăn.
Những năm qua, chứng kiến cảnh cầu treo bị cuốn trôi do bão lũ, học sinh phải đi đường vòng mỗi khi đến trường, chị Vy kêu gọi gây quỹ rồi cùng chính quyền địa phương xây dựng 3 cây cầu tại các huyện Đăk Hà và Đăk Glei trị giá cả tỉ đồng.
Theo ông Hà Đức Mỷ, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi (H.Đăk Hà), chị Trần Mai Vy có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn xã. Ngoài các chương trình tặng quần áo, nhu yếu phẩm, chị còn kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng cầu treo phục vụ việc đi lại của người dân, đặc biệt là các em học sinh.
Nguồn bài viết:
https://thanhnien.vn/co-giao-thay-doi-nhieu-canh-doi-tre-vung-cao-18524080719493324.htm