baokontum.com.vn
Chiều 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ hai bằng hình thức trực tuyến nhằm đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chương trình; đồng thời, triển khai nhiệm vụ thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Phiên họp.
Dự họp tại đầu cầu Trung ương có đồng chí Đỗ Văn Chiến- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu Kon Tum. Ảnh: TH
Dự tại điểm cầu của tỉnh có các đồng chí: Y Ngọc- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Y Thị Bích Thọ- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh Ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Cách đây 2 tháng (ngày 10/11/2024), Ban Chỉ đạo tổ chức họp phiên thứ nhất thống nhất mục tiêu, quan điểm, định hướng, phương thức, cách làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ, cơ quan, địa phương.
Từ sau phiên họp thứ nhất đến nay, cả nước có 57/63 tỉnh, thành đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, 444/539 huyện thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện.
Các địa phương đã ban hành kế hoạch, phát động Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát; xác định rõ thời gian hoàn thành công tác này trên địa bàn.
Tính đến ngày 6/1/2025, 27/63 tỉnh, thành trong cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được gần 76.364 căn; trong đó, có 42.179 căn đã khánh thành, 34.185 căn khởi công mới.
Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tính đến ngày 2/1/2025, Quỹ “ Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận 72,456 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Có 10 địa phương đã được hỗ trợ từ các đơn vị với tổng kinh phí nhận được là 1.165 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước còn một số khó hăn, hạn chế liên quan đến thể chế chính sách, huy động nguồn lực, vướng mắc về đất đai, một số địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm trong việc thực hiện…
Tại phiên họp, các bộ, ngành và các địa phương tập trung trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Đồng thời, làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, mạnh mẽ nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch đề ra.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Từ nay đến cuối năm 2025, khối lượng công việc phải hoàn thành nhiều, trong khi, thời gian triển khai rất gấp (khoảng 350 ngày); vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm, quyết liệt, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện thành công Chương trình trên phạm vi cả nước trong năm 2025. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn của Chương trình để tạo sự lan tỏa rộng rãi, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, cần đi sâu, đi sát gắn với kiểm tra, đôn đốc, giám sát bảo đảm thực hiện kịp tiến độ và chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chí xóa nhà tạm, nhà dột nát; chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu đối tượng người có công, chính sách cần hỗ trợ về nhà ở trước ngày 20/1/2025 để có kế hoạch ưu tiên thực hiện.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, chủ động có giải pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, cách làm hay; có biện pháp xử lý kỷ luật những tổ chức, cá nhân thờ ơ, chậm trễ, thiếu tinh thần quyết liệt…
Các địa phương lưu ý đổi mới phương pháp, cách làm; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn. Đối với các nhà tạm, nhà dột nát phát sinh, trước hết, các địa phương phải chủ động huy động nguồn lực để hỗ trợ.
Thùy Hương
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/thoi-su-chinh-tri/trien-khai-nhiem-vu-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-tren-pham-vi-ca-nuoc-nam-2025-45156.html