Tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả nguồn nhân lực

11

baokontum.com.vn

Cùng với cả nước, hiện nay, Kon Tum đang khẩn trương quyết liệt tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Với việc tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, nút thắt, loại bỏ được thói trì trệ, quan liêu của một số cán bộ, công chức, viên chức vốn tạo gánh nặng đối với bộ máy, gây lãng phí cơ hội phát triển.

Tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh là đòi hỏi tất yếu khách quan trong giai đoạn hiện nay. Đảng ta đã chỉ ra những điểm nghẽn, nút thắt trong hệ thống, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và ban hành nhiều nghị quyết, kết luận liên quan đến vấn đề này. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”.

Tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy luôn nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Ảnh: N.P

 

Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến về những cán bộ, công chức, viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; về “cơ quan nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém”; về tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”. Và cùng với hạn chế về năng lực, cộng với nhận thức, thiếu tinh thần trách nhiệm, thói quen nuối tiếc với cơ chế xin – cho của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nên có những vấn đề dù đã quy định cụ thể, thủ tục thông thoáng lại hoá thành khó khăn. Không chỉ phải sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy lớn, không còn để chi cho đầu tư phát triển, mà trên thực tế với việc hạn chế về năng lực, thiếu ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, viên chức đã dẫn đến tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, hoặc giải quyết công việc chậm trễ, sai sót, thậm chí còn sách nhiễu, vòi vĩnh dẫn đến kìm hãm đến sự phát triển của đất nước.

Nói cách khác, lãng phí nguồn lực không chỉ là lãng phí tiền bạc, lãng phí tài nguyên, lãng phí thời gian, mà nếu con người – cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức nếu không được sử dụng, bố trí, quản lý hợp lý cũng là sự lãng phí lớn. Về điều này, Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chống lãng phí” đã chỉ rõ: “Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp”.

 “Không để cơ quan nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém”, tinh gọn tổ chức bộ máy để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, với quyết tâm của Đảng ta, của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình hưởng ứng, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt. Ngay trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành sắp xếp, tổ chức lại, kết thúc hoạt động của các cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Cán bộ cơ sở thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Ảnh: NP

 

Tất nhiên trong quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh sẽ dẫn đến dôi dư cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp. Để vừa đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, vừa đảm bảo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng các phương án cụ thể, quan tâm bố trí, sắp xếp, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh là yêu cầu tất yếu khách quan. Điều này không chỉ tiết kiệm, chống lãng phí về nguồn nhân lực mà còn tiết kiệm được kinh phí của nhà nước (theo Bộ Nội vụ, trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi trên 113 nghìn tỷ đồng), tiết kiệm được thời gian của cán bộ, công chức, viên chức, của nhân dân và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, nhân dân, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy và gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, biên chế hợp lý sẽ phát huy hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới.       

Nguyên Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/xay-dung-dang/tinh-gon-bo-may-phat-huy-hieu-qua-nguon-nhan-luc-44993.html