www.baogiaothong.vn
Nghiên cứu sử dụng xỉ than nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng
Sáng nay (4/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).
Quan tâm đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), cho biết, Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung khắc phục rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
“Khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon”, nhiều người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ.
Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện.
“Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin – cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước”, ông Hòa nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa lo ngại tại những địa phương vùng cao, có những khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng.
Toàn cảnh phiên họp sáng nay của Quốc hội.
Một vấn đề nữa, được đại biểu Hòa đề cập đó là hạ tầng giao thông đã được Quốc hội thông qua và từng bước triển khai nhưng việc triển khai ở các địa phương gặp khó.
“Áp lực sử dụng cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án, công trình nhưng có điều nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình”, ông Hòa nói.
Từ những nội dung trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho cát sông làm vật liệu thông thường.
“Cát biển cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường; nghiên cứu xây dựng cầu cạn trong các dự án giao thông trên vùng đất yếu, vùng trũng, đồng bằng sông Cửu Long”, ông Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum).
Tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra
Quan tâm đến vấn đề quản lý và bảo vệ rừng, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), cho biết, những năm vừa qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 42%.
Tuy nhiên, tình trạng rừng bị thiệt hại vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ gia tăng. Số liệu cho thấy, từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng thiệt hại ước hơn 22.800 hecta. Trong đó rừng bị cháy khoảng hơn 13 nghìn hecta, còn lại là do chặt phá trái phép.
Ông Tám cho rằng, rừng thiệt hại gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như, mất đa dạng sinh học, giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của rừng, thay đổi khí hậu, xói mòn đất và là một trong những tác nhân của thời tiết cực đoan, bất thường.
Nạn chặt phá rừng trái phép vẫn đang là vấn đề nóng cần giải quyết triệt để. Chính phủ cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý triệt để nạn chặt phá rừng trái phép.
Từ những vấn đề trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế. Về phía Chính phủ, cần thực hiện đánh giá hiệu quả tác dụng của độ che phủ rừng đối với vấn đề đa dạng sinh học, môi trường rừng, tác động phòng chống biến đổi khí hậu, hạn hán, sạt lở…. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ dự án phát triển kinh tế, xã hội có chuyển đổi rừng; có kế hoạch trồng rừng hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng.
Nguồn bài viết:
https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khoang-san-la-mieng-moi-ngon-de-bi-khai-thac-triet-de-192241104103535682.htm