Tu Mơ Rông: Hỗ trợ người dân phát triển dược liệu

6

baokontum.com.vn

13/07/2024 06:20

Trong các đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND các cấp, cử tri huyện Tu Mơ Rông phản ánh việc phát triển dược liệu của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trong những năm qua rất hiệu quả. Tuy nhiên, cử tri đề nghị UBND huyện cho biết các nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện phát triển dược liệu trong những năm qua?

Trả lời ý kiến của cử tri nói riêng, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông nói chung, ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Tập trung đầu tư phát triển các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của huyện như: sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, ngũ vị tử, lan kim tuyến để phát triển kinh tế-xã hội”. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động toàn dân, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn phát huy những tiềm năng, thế mạnh để phát triển dược liệu, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, là sản phẩm chủ lực của huyện, với mục tiêu xây dựng huyện trở thành vùng sản xuất dược liệu trọng điểm của tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Trên cơ sở đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện chỉ đạo các ngành, các địa phương quan tâm đến công tác bảo tồn và phát triển dược liệu.

Người dân xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông chăm sóc hồng đẳng sâm. Ảnh: T.V.P

 

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI “về đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh đến 2025 và định hướng đến 2030”, UBND huyện xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch, nhằm bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện. Trong 2 năm qua, với nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, công tác bảo tồn và đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn huyện đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, toàn huyện đã có 2.392,81ha sâm Ngọc Linh, trong đó 81ha do người dân trồng; gần 200ha hồng đẳng sâm, gần 1.000ha cây dược liệu có giá trị khác, như đương quy, sa nhân, lan kim tuyến, ngũ vị tử.

Ngoài ra, các hộ gia đình đồng bào DTTS tại các xã trên địa bàn huyện được hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu, như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, đương quy, lan kim tuyến, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hỗ trợ 1.849 cây sâm Ngọc Linh cho 81 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí 1,094 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hỗ trợ cho 115 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí 7,783 tỷ đồng để trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao thông qua các dự án liên kết theo chuỗi giá trị và Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư cho nhân dân bằng nhiều hình thức để phát triển dược liệu có thể lên đến hàng tỷ đồng, qua đó góp phần chung tay cùng với chính quyền địa phương thúc đẩy nhân dân phát triển vùng dược liệu ngày càng nhiều hơn.

1628381,%20Nh%C3%A2n%20d%C3%A2n%20huy%E1%BB%87n%20Tu%20M%C6%A1%20R%C3%B4ng%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20tr%E1%BB%93ng%20c%C3%A2y%20s%C3%A2m%20Ng%E1%BB%8Dc%20Linh%20d%C6%B0%E1%BB%9Bi%20t%C3%A1n%20r%E1%BB%ABng

Nhân dân huyện Tu Mơ Rông phát triển trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Ảnh: TVP

 

Cùng với đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các ngân hàng thương mại khác đứng chân trên địa bàn huyện tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn hàng tỷ đồng với lãi suất thấp để nhân dân có điều kiện đầu tư trồng các loại cây dược liệu.  

Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển vùng dược liệu, trong những năm qua, trên địa bàn huyện có nhiều hộ DTTS thoát nghèo, phát triển kinh tế khá và vươn lên làm giàu từ trồng cây sâm Ngọc Linh như các hộ A Chung, A Phú (xã Măng Ri); các hộ trồng cây hồng đẳng sâm như A Mới (xã Ngọc Lây), hộ A Đường (xã Đăk Hà).

Ông Dương Thái Khoa cho biết thêm: Phát huy sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình MTQG, trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách đầu tư, phát triển dược liệu của Trung ương, của tỉnh, huyện đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân  trên địa bàn để tập trung phát triển các loại cây dược liệu, coi đây là thế mạnh của huyện trong việc phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động và tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ với các nguồn vốn hợp pháp khác và nguồn lực của nhân dân để hỗ trợ, đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn huyện, góp phần đưa thương hiệu các loại dược liệu quý của huyện ra thị trường trong nước và quốc tế, qua đó góp phần giảm nghèo bền vững, tiến tới làm giàu cho gia đình và địa phương.

Trần Văn Phúc


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/tu-mo-rong-ho-tro-nguoi-dan-phat-trien-duoc-lieu-41767.html