Tây Nguyên ứng phó với hạn hán khốc liệt – Bài 2: 'Gồng mình' chống hạn cho cây trồng

21

baotintuc.vn
Chú thích ảnh
Lượng nước ít ỏi để gia đình ông Nguyễn Thanh Tùng, xã Thăng Hưng (Gia Lai) tưới cầm chừng cho 2ha cây trồng. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Hán hán kéo dài đang khiến hàng nghìn ha cây trồng khu vực này chịu thiệt hại. Do đó, chính quyền các địa phương, các cơ quan chuyên môn và người dân phải “gồng mình” chống hạn cho cây trồng. Điều này không chỉ giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, mà còn là yếu tố “sống còn” đối với các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở Tây Nguyên.

Tìm nước “cấp cứu” cây trồng

Dưới cái nắng đổ lửa của mùa khô Tây Nguyên, những người nông dân đang tìm mọi cách để có nguồn nước duy trì sự sống cho cây trồng. Hơn ai hết họ hiểu được nếu như cây dài ngày, cây ăn quả bị c h ế t do hạn hán thì không chỉ thất thu đến mùa vụ năm nay mà còn ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết, gia đình ông có 1,5 ha cà phê và 0,5 ha trồng các loại cây ăn trái khác. Dù đã có kinh nghiệm ứng phó với hạn hán nhưng năm nay tình trạng thiếu nước tưới xảy ra nghiêm trọng. Ba hồ chứa nước tưới của gia đình ông cũng đã cạn, đợi 5 ngày mạch mới rỉ ra được ít nước. Dù rất vất vả khi phải cân đối nguồn nước trong bối cảnh khan hiếm nhưng gia đình vẫn cố “còn nước còn tưới” với hy vọng duy trì sự sống của vườn cây qua mùa khô hạn để năm sau tái đầu tư, chăm sóc.

Chú thích ảnh
Hạn hán khốc liệt khiến hồ Vụ Bổn, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc, Đăk Lắk, vốn được thiết kế tưới cho 400 ha cây trồng đã cạn trơ đáy. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Hồng Hướng, phường Thông Nhất, thị xã Buôn Hồ, Đăk Lắk cho biết, gia đình có 9 sào xen canh cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… đều là những loại cây đang có kinh tế cao và rất cần nước tưới. Dù vườn cây nằm gần với hồ chứa nước Ea Blang nhưng hồ đã cạn trơ đáy từ đầu tháng 3/2024. Không còn cách nào khác, gia đình phải đầu tư hệ thống ống dẫn nước, máy bơm dã chiến để vét từng vũng nước dưới đáy hồ để cứu cây trồng. Dù mỗi ngày chỉ tưới được vài tiếng do hết nước nhưng vẫn hy vọng sẽ giúp vườn cây chống trọi qua mùa khô năm nay.

“Để có được vườn cây xen canh như của gia đình thì mất rất nhiều năm, do đó nếu năm nay không cứu được vườn cây, hậu quả sẽ rất nặng nề. Không chỉ mất nguồn thu mà chi phí và công sức để phục hồi một vườn cây dài ngày hiện nay là rất lớn”. ông Nguyễn Hồng Hướng bày tỏ.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình Thủy lợi tỉnh Đăk Lắk cho biết, để chống hạn hiệu quả cho cây trồng đồng thời giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra, đơn vị đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình lượng nước của các hồ, đập để kịp thời khuyến cáo người dân và điều tiết nguồn nước chống hạn, phục vụ nhân dân sản xuất; trong đó, đối với những hồ không đảm bảo mực nước, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo bà con giảm diện tích sản xuất, chuyển đổi cây trồng ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước, không có nước sản xuất.

Đối với những công trình thủy lợi dưới mực nước c h ế t, công ty đã xin ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bơm lượng nước trong hồ vào hệ thống kênh, mương thủy lợi nhằm cấp bách chống hạn cho cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, đắp các đập tạm dọc hệ thống sông, suối để bơm nước lên kênh, mương chống hạn cho cây trồng.

Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ứng phó với tình trạng hạn hán gay gắt trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty phát điện 2 và Công ty Thủy điện An Khê – Ka Nak để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho các vùng hạ lưu sông Ba. Sở cũng sẽ phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo, kiểm tra giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu ở hạ du các công trình thủy điện, thủy lợi; xây dựng kế hoạch xả nước về hạ du để phục vụ sản xuất giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán xảy ra.

Tiết kiệm và điều tiết nguồn nước

Hạn hán càng khốc liệt, kéo dài thì càng đòi hỏi chính quyền các địa phương, người dân, đơn vị vận hành thủy lợi tiết kiệm và điều tiết hợp lý nguồn nước còn lại để ứng phó hiệu quả với tình trạng khô hạn đang bao trùm khắp các tỉnh Tây Nguyên.

Trước tình trạng khô hạn khốc liệt khiến nguồn nước khan hiếm, ngày 19/4, UBND tỉnh Đăk Lắk đã ban hành Chỉ thị tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán thiếu nước trên địa bàn tỉnh; trong đó yêu cầu, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, kh tượng, thủy văn, nguồn nước; kiểm kê, nắm chắc  thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán của địa phương phù hợp với các kịch bản nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động có hình thức linh hoạt tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, triệt để chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Trong trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác; vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Người dân trên địa bàn thị xã Buôn Hồ bơm những vũng nước cuối cùng trên Hồ thủy lợi Ea Blang, Đăk Lắk với hy vọng cứu cây trồng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Theo ông Võ Tấn Trực, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, Đăk Lắk, trong bối cảnh nguồn nước từ các công trình thủy lợi ngày càng cạn kiệt, mức nước ở các ao, hồ, giếng của người dân cũng sụt giảm nhanh, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều chuyến đi kiểm tra thực tế nhằm đánh giá tình hình nguồn nước để chủ động điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý nhằm chống hạn cho cây trồng. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để ứng phó với khô hạn còn kéo dài trong thời gian tới.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cấp bách triển khai các giải pháp ứng phó với hạn hán; trong đó, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán, hiện trạng các công trình thuỷ lợi, kế hoạch sản xuất nông nghiệp để chủ động điều chỉnh cơ cấu cây trồng sang loại cây ít dùng nước, giảm diện tích sản xuất, thay đổi lịch thời vụ. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân chủ động sử dụng các nguồn cấp nước khác ngoài công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm; điều tiết bổ sung nước giữa các công trình; hỗ trợ người dân thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tiết kiệm nước. Mặt khác, chủ động phối hợp cùng các nhà máy thủy điện ở thượng lưu trong việc xác định lưu lượng, thời gian xả để lấy nước cho các trạm bơm trên sông hợp lý, tiết kiệm nguồn nước; kiểm kê số lượng máy nổ, máy bơm dã chiến, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu phục vụ bơm chống hạn…

Còn tại tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum nhận định, tình trạng nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ tiếp diễn đến khoảng nửa cuối tháng 5/2024. Điều đó đồng nghĩa với việc phải mất gần một tháng nữa, Kon Tum mới đón những cơn mưa đầu mùa. Do đó, tình trạng hạn hán, nắng nóng sẽ gia tăng trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5, nhất là ở những vùng không chủ động được nguồn nước.

“Hiện nay, một số diện tích nông nghiệp cần nhiều nước như lúa đã bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch nên không còn cần nhu cầu nước nhiều. Tuy nhiên, đối với diện tích cây công nghiệp, nhất là cà phê rất cần nước tưới, do đó khuyến cáo các địa phương và bà con nhân dân cần chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước để vượt qua mùa khô hạn”, ông Nguyễn Văn Huy khuyến cáo.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, Kon Tum cũng cho biết, hiện đa số cà phê trong tổng diện tích hơn 12.000 ha của địa phương đã được tưới đủ đợt theo yêu cầu. Một số diện tích cà phê tái canh đã tưới đợt 5, 6. Tuy nhiên, nếu thời tiết tiếp tục có nắng nóng, khô hạn trong khoảng gần một tháng nữa, các diện tích cà phê này vẫn có khả năng bị ảnh hưởng như héo, khô lá. Vì vậy chính quyền địa phương cũng tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần chủ động tiết kiệm nguồn nước để chủ động ứng phó khi hạn hán còn kéo dài.

Theo ông Đặng Trần Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, để ứng phó với tình hình hạn hán có khả năng kéo dài và diễn biến phức tạp trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo về triển khai các giải pháp phòng, chống ứng phó hạn hán; trong đó, yêu cầu quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tưới cuối khu tưới. Mặt khác, thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình có đầu mối là hồ chứa để tiết kiệm nước như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Chà Mòn I…. Đặc biệt, trường hợp nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.

Có thể nói, đây không phải là lần đầu tiên Tây Nguyên oằn mình trong khô hạn, do đó để ứng phó với hạn hán trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì khu vực Tây Nguyên cần có biện pháp để “sống chung” với khô hạn trong tương lai. Đây chính là sự thích ứng để phát triển bền vững.

Bài cuối: Sống chung với hạn hán


Nguồn bài viết:
https://baotintuc.vn/kinh-te/tay-nguyen-ung-pho-voi-han-han-khoc-liet-bai-2-gong-minh-chong-han-cho-cay-trong-20240501074707248.htm