Sản xuất gạo đỏ ở Đăk Ui

5

baokontum.com.vn

Cùng với canh tác các giống lúa thông thường, hiện nay các thành viên trong tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà còn canh tác gạo đỏ với hi vọng tạo ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Khoảng 3 năm nay, kể từ khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ của xã Đăk Ui, anh A Cường, thôn Kon Pong đã sử dụng 1 sào ruộng để canh tác lúa gạo đỏ. 1 năm anh sản xuất 2 vụ, thu được khoảng 1 tấn lúa tươi.

Với anh Cường, việc trồng lúa gạo đỏ không khác nhiều so với trồng lúa nước thông thường. Hơn thế, vì anh đã nắm bắt rõ quy trình làm đất, xuống giống, làm cỏ, bón phân, nên mọi việc cứ theo tuần tự và không gặp nhiều khó khăn.

“Ở thôn cũng có khoảng 8 hộ trồng lúa gạo đỏ. Có người trồng ở đất ruộng khô cằn, người trồng ở rẫy, còn mình trồng ở ruộng nước. Số lúa làm ra, đa số bà con mình để dùng, năm nào dư nhiều thì mình bán”- anh Cường cho biết.

Tổ hợp tác sản xuất tổng diện tích khoảng 5ha lúa gạo đỏ. Ảnh: H.T

 

Với gia đình ông A Bók, thôn Kon Năng Treang thì khác. 2 năm trước, đám ruộng trước nhà bị khô cằn, thiếu nước để sản xuất lúa nước. Khi tham gia vào tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ, ông chuyển diện tích lúa thiếu nước sang trồng 1 vụ lúa gạo đỏ. Qua quá trình canh tác, so với làm lúa nước, ông nói, sản xuất lúa gạo đỏ cho năng suất thấp hơn.

Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục trồng lúa gạo đỏ. “Lúa gạo đỏ rất tốt, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, mình trồng để phục vụ trong gia đình và biếu người thân, bạn bè. Năm nào cũng vậy, đến gần Tết, mình sử dụng gạo đỏ để nấu rượu ghè. Rượu gạo đỏ rất thơm, ngon” – ông A Bók nói.

Tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ xã Đăk Ui được thành lập vào năm 2021, với 11 thành viên, sản xuất khoảng 5ha. Anh A Thuần – Bí thư Chi bộ, thôn trưởng thôn Kon Tu, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, trước đây, bà con ở địa bàn xã có trồng lúa gạo đỏ. Sau đó, người dân bỏ dần, chuyển sang trồng các giống lúa nước thông thường.

Vừa qua, khi diện tích lúa thiếu nước không đạt năng suất, các thành viên trong tổ hợp tác đã chuyển sang trồng lúa gạo đỏ. “Lúa gạo đỏ trồng được ở trên cạn, đất khô cằn. Tuy nhiên, người dân cần chăm sóc mới đạt năng suất”- anh Thuần nói.

Như gia đình anh cũng sản xuất khoảng 3 sào. Bình quân, 1 sào anh thu được khoảng 20 bao lúa tươi. Ngoài việc để sử dụng trong gia đình, anh còn liên hệ thu mua và bán cho nhiều người trong và ngoài huyện.

Anh Thuần cho biết, hiện nay, giá lúa bán khoảng 14 ngàn đồng/kg; gạo bán ra khoảng 25 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, vì sản xuất ít nên đa số người dân để sử dụng, chỉ có số ít dùng để bán.

153952L%C3%BAa%20g%E1%BA%A1o%20%C4%91%E1%BB%8F%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c%20b%C3%A1n%20v%E1%BB%9Bi%20gi%C3%A1%2014%20ng%C3%A0n%20%C4%91%E1%BB%93ngkg%20(2)

Lúa gạo đỏ được bán với giá 14 ngàn đồng/kg. Ảnh: HT

 

Hướng đến phát triển sản phẩm gạo đỏ, nhiều lần được xã định hướng, hỗ trợ, anh Thuần mang sản phẩm gạo đỏ của anh, của các thành viên trong tổ hợp tác tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ở huyện để quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, được xã hỗ trợ, anh A Thuần chú tâm sản xuất lúa gạo đỏ bài bản, đưa sản phẩm gạo đỏ A Thuần đã trở thành sản phẩm đặc trưng của xã và đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.

Anh Đinh Thế Cường – công chức địa chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường xã Đăk Ui cho biết, qua nắm bắt thực tế, hoạt động tổ hợp tác còn nhiều khó khăn. Trong đó, đa số các tổ viên hoạt động rời rạc, tự sản xuất, tự bán sản phẩm chứ chưa có sự liên kết chặt chẽ. Bên cạnh khó khăn trên, nhờ công tác tập huấn, hướng dẫn thường xuyên của các cấp, ngành nên người dân đã biết cách canh tác, biết cách không sử dụng thuốc hóa học để sản xuất lúa gạo đỏ.

Để tổ hợp tác sản xuất gạo đỏ hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian đến, anh Cường nói rằng, trước mắt, xã đã định hướng sẽ tiếp tục vận động tổ hợp tác duy trì và mở rộng diện tích sản xuất lúa gạo đỏ và tập trung nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Ngoài ra, xã sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ, giúp đỡ tổ hợp tác nói chung, hộ anh A Thuần nói riêng hoàn thiện mẫu mã bao bì của sản phẩm; đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm đến các cửa hàng, siêu thị trong địa bàn tỉnh.

“Hi vọng rằng với giá trị dinh dưỡng cao, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, sản phẩm gạo đỏ của xã Đăk Ui được nhiều người biết đến. Qua đó, giúp bà con trong tổ hợp tác có thêm nguồn thu ổn định” – anh Cường chia sẻ.

Hoài Tiến


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/san-xuat-gao-do-o-dak-ui-42926.html