Phát triển thương mại theo chiều sâu, chất lượng

11

baokontum.com.vn

Lĩnh vực thương mại có vai trò khá quan trọng trong hoạt động phát triển kinh tế- xã hội- đây là “cầu nối” giữa sản xuất với tiêu dùng. Chính vì vậy, những năm qua, tỉnh ta tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thương mại đi vào chiều sâu, nâng cao về chất lượng.

Thương mại ngày càng phát triển tạo cầu nối cho sản xuất và tiêu dùng. Ảnh: TH

 

Nhằm tạo đột phá trong phát triển thương mại theo hướng hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là “điểm tựa” vững chắc cho sản xuất, từ năm 2021 đến nay, tỉnh ta tập trung triển khai Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của tỉnh phấn đấu đến năm 2030, ngành thương mại đóng góp khoảng 25%- 30% vào GRDP của tỉnh; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021- 2030 khoảng 13,0%/năm. Doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5% – 11% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; phấn đấu giai đoạn 2021 – 2030 trên 40% – 45% các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử.

 Để thực hiện được mục tiêu đề ra, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thương mại được xác định là yếu tố quan trọng, tạo động lực đưa thương mại phát triển. Do đó, thời gian qua, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới kinh doanh, phát triển hài hòa, đồng bộ và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho các hoạt động trao đổi, giao thương hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Từ nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình khác nhau, ngành Công thương và các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ. Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 chợ gồm 15 chợ thành thị và 19 chợ xã.

Năm 2024, ngành Công thương của tỉnh tiếp tục triển khai nâng cấp và xây mới 2 chợ xã. 85/85 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Hệ thống chợ được mở rộng và khang trang hơn, giúp tạo thuận lợi cho trao đổi mua bán hàng hóa ở vùng nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của đại bộ phận người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chú trọng thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kênh phân phối, bán lẻ hiện đại. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại 4 siêu thị đang hoạt động. Cùng với đó là hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp từ thành thị tới nông thôn.

Để thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển nhanh và bền vững, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Công thương, UBND tỉnh, Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối cung cầu, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ trong thời đại 4.0. Trong đó,  điểm nhấn đáng chú ý nhất là phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.

Ông Võ Văn Mười- Giám đốc Trung tâm Khuyến công – Xúc tiến thương mại tỉnh chia sẻ: Tỉnh ta đã xây dựng được Sàn thương mại điện tử tỉnh Kon Tum (địa chỉ http://kontumtrade.gov.vn) giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có điều kiện giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng, OCOP, công nghiệp nông thôn trên môi trường internet. Đến nay, đã có 349 tổ chức, cá nhân với 588 sản phẩm của tỉnh đưa thông tin doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh lên hệ thống. Các doanh nghiệp còn được hỗ trợ tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee; xây dựng các website bán hàng của doanh nghiệp, hợp tác xã, thường xuyên kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa của tỉnh vào các kênh tiêu thụ hàng hóa trong phạm vi cả nước; qua đó, giúp mở rộng kênh thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Những năm qua, lĩnh vực thương mại của tỉnh có những bước phát triển nhanh với mức tăng trưởng hàng năm cao, vượt xa so với mục tiêu đề ra là từ 9,0% – 9,5%/năm (giai đoạn 2021 -2030).

Cụ thể, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên thị trường năm 2022  tăng 19,11% so với năm 2021, năm 2023 tăng 11,7% so với năm 2022. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 25.547 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa có nhiều chuyển biến. Ảnh: TH

 

Song song với việc phát triển thương mại nội địa, hoạt động xuất khẩu cũng được tỉnh đẩy mạnh. Ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, tỉnh tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang những thị trường mới như Thụy Sĩ, Hồng Kông, Mỹ…

Từ đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tăng đều qua các năm: Năm 2022 đạt 320,8 triệu USD, tăng 10% so với năm 2021; năm 2023 đạt 359,5 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022; 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 254,7 triệu USD, đạt 79,59% kế hoạch và tăng 8,24% so với cùng kỳ năm 2023.

Để tiếp tục đưa thương mại của tỉnh phát triển, thời gian tới, các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2045, ngành thương mại sẽ  đóng góp khoảng 30% – 35% vào GRDP của tỉnh.                  

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/phat-trien-thuong-mai-theo-chieu-sau-chat-luong-42991.html