Nồi cơm – cổ mẫu “hết lại đầy”!

12

vnca.cand.com.vn

Từ cổ tích, chi tiết này đi vào đời sống kết thành thành ngữ: “Nồi/ Niêu cơm Thạch Sanh” để chỉ về nguồn của cải vật chất dường như vô tận, hết lại có, rất giàu tiềm năng.

image003 copy.jpg -1
Những câu chuyện liên quan đến cổ mẫu “nồi cơm” đã được đưa vào sách.

Hình tượng đã biểu hiện thật hay cái khát vọng lớn lao của con người về cuộc sống no ấm, đủ đầy. Không chỉ cho mình, còn cho cả người, kể cả người ấy từng không tốt với mình. Tức còn là cả một khát vọng hòa bình, hòa hiếu, bỏ qua cái tiểu sự, nhất thời hướng về cái tương lai, lâu dài. Tầm bao dung nhân văn ấy không có nhiều ở các cổ tích khác của thế giới.

Quen thuộc với người dân lao động trồng lúa, cái nồi trở thành hình tượng để giáo dục ứng xử biết trước biết sau: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; về quy luật phù hợp, tương ứng giữa hai sự vật: “Nồi nào vung ấy”; về sự chừng mực, đừng kiểu “Ăn thủng nồi trôi rế”; chỉ các sự vật tuy thô kệch nhưng khỏe mạnh, bền vững: “Nồi đồng cối đá”… Lại có bài ca dao chỉ tình yêu trai gái: “Mai anh mượn cái rế/ Chiều anh mượn cái nồi/ Mảng thương liệt nữ đứng ngồi không yên”. “Mảng” nghĩa là mải; “liệt nữ” chỉ người con gái đoan chính, khí phách… Mượn mãi rồi, có khi… lấy luôn cả “rế” lẫn “nồi”, và cả người nữa… Như vậy cái nồi còn là một phương tiện bày tỏ tình cảm.

Cổ tích “Trạng Nồi” kể có chàng thiếu niên nhà nghèo nhưng rất thông minh, ham học, ngày đêm miệt mài đèn sách, nhiều bữa quên ăn. Thường đợi nhà bên vừa ăn xong, cậu học trò lại sang mượn nồi về nấu cơm. Về sau chàng đỗ Trạng nguyên. Mở tiệc ban thưởng cho quan trạng và các vị đỗ đạt, nhà vua ngạc nhiên khi quan trạng tâu chỉ xin bệ hạ một chiếc nồi nhỏ, tất nhiên của vua phải là nồi vàng. Vinh quy bái tổ, về đến đầu làng, quan xuống kiệu, hai tay nâng chiếc nồi đi vào nhà hàng xóm ngày xưa thường mượn nồi nấu cơm… Mọi người mới vỡ lẽ, thì ra nhờ hàng xóm có lòng cho mượn nồi, cố tình để lại ít cơm nguội. Nhờ vậy mới có Trạng nguyên nay.

Thế là từ chiếc nồi thông thường (ngày xưa thường làm bằng đất – nồi đất, kim loại đồng – nồi đồng), đến chiếc “nồi vàng” là cả một quá trình phấn đấu học tập vượt qua mọi khó khăn). Nằm trong chủ đề “giúp người, người trả ơn”, câu chuyện khuyến khích con người ta biết chia sẻ, giúp đỡ nhau, nhất là trong lúc khó khăn sẽ luôn được nhận về những thành quả (tinh thần và vật chất). Vị Trạng nguyên ấy tên là Tô Tịch, dân gian quen gọi là ông Trạng Nồi. Không chỉ là câu chuyện giáo dục đề cao tấm gương hiếu học, còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Một chuyện khác gần với sự thật lịch sử hơn. Kể rằng Nguyễn Quán Nho được 5, 6 tuổi đã mồ côi bố, phải lo đỡ đần mẹ. Nhà quá nghèo, lại gặp kỳ giáp hạt, có khi nhà không còn hạt gạo nào. Nguyễn Quán Nho vẫn cứ sang hàng xóm mượn nồi về nấu cơm. Nhờ có “hơi hồ”, người mẹ còn có sức tần tảo, Quán Nho có sức học bài. Hàng xóm hiểu chuyện, mỗi khi cho mượn nồi, cố ý dành lại ít cơm cháy…

Kỳ thi Hương năm 1657, Nguyễn Quán Nho 19 tuổi đỗ Hương Cống. Đến kỳ thi Hội, Quán Nho thi đỗ tam trường. Khoa thi năm 1667, ông dự thi và chiếm ngôi nhất bảng Tiến sĩ. Từ đó dân gian gọi Nguyễn Quán Nho là “Trạng Cháy”. Năm 1693, ông được phong làm Thượng thư Bộ binh. Sau đó được cử làm Tham Tụng (tương đương Tể tướng).

Truyện còn kể dù làm quan to chức lớn nhưng vẫn không quên thuở hàn vi nên Quán Nho vẫn giản dị, tiết kiệm, kiên quyết chống tham ô, tham nhũng. Đặc biệt là rất thương dân, vì dân, đắp đường cho dân đi, đắp đê chống lụt để dân lo làm ăn… Câu chuyện là một tấm gương hiếu học, liêm khiết, chính trực, mà thời nay vẫn cần để soi mà học tập. Tiếc rằng những câu chuyện như thế, ngày nay vắng bóng trong chương trình phổ thông!

Kho tàng cổ tích Gié-Triêng (Tây Nguyên) có “Sự tích núi Nồi Cơm” rất đáng suy ngẫm. Ở một làng nọ, có ba bà cháu nghèo khổ sống cùng nhau trong một ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Yang trên trời, thấy hoàn cảnh ba bà cháu hiền lành mà vẫn khổ, liền động lòng thương. Trong giấc mơ người bà, Yang hiện về bảo: “Hãy bảo cháu làm một cái kho thật to. Ta sẽ cho lúa trữ để ăn dần!”.

Đem chuyện kể cho đứa cháu trai nghe. Nó liền làm một cái kho thật to, nhưng đợi mãi chẳng thấy thóc lúa về. Một lần bà đặt vào kho một trái bầu già vỗ vào vỏ rồi nói như an ủi, động viên: “Mày nằm đây nhé, chờ khô tao dùng đựng nước uống”. Lạ thay, bà vừa nói xong trái bầu nứt toác ra. Lúa từ bên trong chảy tràn ra đầy cả kho. Hạt lúa rất to, chỉ cần một hạt là đã nấu đủ một nồi cơm đầy. Từ đấy cuộc sống ba bà cháu khá hơn nhiều.

Ngày nọ, họ cùng nhau lên rẫy. Bà bảo cháu gái về nấu cơm. Trên đường về, mải chơi nó quên béng mất là chỉ nấu một hạt, nên đong hẳn một rá… Thế là gạo trong nồi nở ra, nở mãi, tràn ra thành đống, mỗi lúc một cao, cao mãi, cao… tới tận trời xanh. Đang canh cửa nhà Trời, thấy cả một núi cơm nghi ngút khói dâng cao, sắp tràn cả lên thiên giới, Thần Sét bèn rút gươm thần chém phạt ngang đỉnh núi cơm. Thế là từ đấy có Núi Nồi Cơm, nay thuộc địa phận xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Ngày nay đỉnh núi vẫn phẳng. Còn hạt gạo thì bé tý lại, như bây giờ…

Trở lại chi tiết quả bầu. Ở nhiều truyện cổ khác thì từ quả bầu, con người đi ra – mang ý nghĩa giáo dục về sự đoàn kết, thương yêu nhau vì tất cả đều chung một gốc. Ở truyện này, thóc lúa chảy ra – tức nguồn sống của con người. Như vậy truyện đã góp phần hoàn thiện ý nghĩa, giá trị của biểu tượng “quả bầu”, là “vật tổ” của nhiều dân tộc: vừa sinh ra người, vừa nuôi dưỡng người. Đến nay, trong phong tục, tập quán, biểu tượng vẫn đậm tính “thiêng”: những đứa trẻ được sinh ra, nhau thai được đựng trong quả bầu, chôn xuống đất. Ngoài dùng cho sinh hoạt hằng ngày, quả bầu là vật để cúng tế: đựng rượu, thịt, thóc lúa, tiết các con vật…

image001.jpg -0
Hình minh họa Khổng Tử, Nhan Hồi và cái nồi cơm!

Là sự cắt nghĩa vì sao núi Nồi Cơm và hạt gạo có hình dáng như vậy, vẫn theo môtíp “ở hiền gặp lành”, nhưng câu chuyện mở rộng biên độ về nghĩa, như ca ngợi sự tự giác lao động, chăm chỉ (có lúa thần nhưng ba bà cháu vẫn lên nương trồng cấy). Giáo dục trẻ em đừng mải chơi mà phải tập trung vào công việc, nếu chểnh mảng, quên trước quên sau thì hậu quả sẽ đến…

Lần ấy Đức Khổng Tử dẫn học trò từ nước Lỗ sang nước Tề. Gặp đúng thời đói kém, mất mùa, thầy trò trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. Khi sang đến đất Tề, thầy trò được bà lão già biếu một ít gạo mới để nấu cơm. Đức Khổng Tử phân công Tử Lộ cùng các môn sinh vào rừng kiếm rau; việc thổi cơm giao cho Nhan Hồi. Khi đang đọc sách ở nhà trên, Đức Khổng Tử bỗng liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi đậy vung lại, nhìn trước ngó sau rồi lén đưa nắm cơm lên miệng… Thất vọng vô cùng, Khổng Tử ngửa mặt mà than rằng: “Trò yêu lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Lễ nghĩa, đạo lý đâu?”.

Bữa ăn dọn ra. Khổng Tử nói, ngày đầu tiên trên đất Tề, thầy nhớ quê hương, cha mẹ. Thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, tiên tổ có nên chăng? Trừ Nhan Hồi, tất cả đều đồng ý. Khổng Tử lại thêm: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch không?”. Bấy giờ Nhan Hồi mới chắp tay, cung kính thưa rằng nồi cơm này không được sạch. Vì khi mở vung ra chẳng may bồ hóng và bụi trên mái nhà rơi xuống làm bẩn. Con định xới lớp cơm bẩn vứt đi. Nhưng như thế cơm sẽ ít. Nên con đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và các anh em. Do vậy không nên cúng nữa… Khổng Tử giật mình than thầm rằng: “Có những việc tận mắt trông thấy mà vẫn không hiểu đúng sự thật! Huống hồ!”. Câu chuyện để lại bài học: Nhận xét con người khó lắm. Cần tới cả một quá trình. Đừng xem xét một hành động, một hành vi nhất thời. Có khi tưởng rằng xấu. Nhưng thực chất, đó lại là hành vi của một thiên lương!

Ban đầu con người sử dụng vỏ ốc, trai, sò lớn, rồi đất sét để đun nấu thức ăn, cái nồi được hoàn thiện với sự phát triển của gốm sứ, rồi kim loại. Đi cùng văn minh loài người, trở thành một cổ mẫu, từ cái nồi tràn ra biết bao ý nghĩa nhân bản mang tính giáo dục, giáo huấn sâu sắc.


Nguồn bài viết:
https://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/noi-com-co-mau-het-lai-day–i737681/