baokontum.com.vn
Thực hiện Kế hoạch số 570/KH-UBND ngày 19/2/2024 của UBND tỉnh về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (CTMTQGGNBV), năm 2024, các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh huy động mọi nguồn lực đầu tư, triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện, đạt kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2024, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh 325,739 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 171,101 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 154,638 tỷ đồng), ngân sách tỉnh đối ứng 30 tỷ đồng, các đơn vị, địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác 13,755 tỷ đồng để thực hiện CTMTQGGNBV.
Từ nguồn vốn trên, các địa phương đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 58 công trình cơ sở hạ tầng. Trong đó có 8 công trình xây dựng mới, 20 công trình chuyển tiếp từ năm trước và 30 công trình được đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp. Các công trình này phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn.
Nhờ vay vốn tín dụng chính sách chăn nuôi bò, gia đình ông A Weo đã thoát nghèo năm 2022. Ảnh: Q.Đ
Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 64 mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất gắn với quy hoạch phát triển sản xuất của từng địa phương. Trong đó, huyện Ia H’Drai triển khai 3 dự án nuôi bò sinh sản; huyện Đăk Hà thực hiện 10 dự án đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo; huyện Kon Rẫy triển khai 3 dự án hỗ trợ bò sinh sản, cây mắc ca, cây sầu riêng; huyện Sa Thầy hỗ trợ 16 dự án cho 272 hộ nghèo; huyện Tu Mơ Rông thực hiện 4 dự án cộng đồng tại 2 xã Măng Ri và Văn Xuôi; huyện Đăk Tô triển khai 9 dự án trồng cây cao su tại 9/9 xã, thị trấn với 196 hộ được hỗ trợ, trong đó có 99 hộ nghèo, 72 hộ cận nghèo, 25 hộ mới thoát nghèo.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ nhu cầu dân sinh và triển khai các mô hình sản xuất, chăn nuôi để giúp người dân giảm nghèo bền vững, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn được ngành chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng đúng mức. Theo đó, trong năm 2024, các địa phương tổ chức đào tạo cho 3.294 lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp 2.655 lao động, nghề phi nông nghiệp 639 lao động. Giải quyết việc làm 6.330 lao động; trong đó cung ứng 665 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm mới cho 2.876 người từ các dự án giải quyết việc làm, 213 lao động đi làm việc tại nước ngoài, tạo việc làm thông qua các chương trình khác cho 2.576 người.
Song song với các các giải pháp trên, việc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố cho vay vốn ưu đãi để các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh hiệu quả, từng bước giảm nghèo bền vững. Hoạt động này được triển khai bằng cách cho các đối tượng vay trực tiếp và cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị- xã hội đã đem lại hiệu quả tích cực.
Dự án hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò sinh sản tại xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei. Ảnh:QĐ
Theo số liệu thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay, toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 1.133,361 tỷ đồng, có 23.177 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Cụ thể, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 237,862 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 233,171 tỷ đồng; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 209,505 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo 186,475 tỷ đồng; cho vay hộ mới thoát nghèo 115,319 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo 110,731 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/11/2024, tổng dư nợ đạt 4.709,203 tỷ đồng, tăng 290,536 tỷ đồng so năm 2023; tỷ lệ tăng trưởng năm 2024 đạt 8% với 73.937 khách hàng còn dư nợ. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho 4.450 lao động được tạo việc làm; xây dựng mới, sửa chữa 15.913 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 205 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa hơn 60 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Trung Thuận- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Qua kết quả rà soát hộ nghèo của UBND các huyện, thành phố, tổng số hộ thoát nghèo năm 2024 là 3.664 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo 2,52%, đạt 84,12% so với Kế hoạch tỉnh giao; đạt 100,8% so với chỉ tiêu, mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tổng số hộ nghèo đến cuối năm 2024 là 6.556 hộ, chiếm tỷ lệ 4,31% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tổng số hộ thoát cận nghèo năm 2024 là 1.021 hộ; tổng số hộ cận nghèo đến cuối năm 2024 là 5.547 hộ, chiếm tỷ lệ 3,65% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại các địa phương của tỉnh trong thời gian qua đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một số dự án đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo, đặc biệt là ở các xã khó khăn đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Từ đó, tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương
Quang Định
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-giam-ngheo-44702.html