Nhiều công trình cấp nước hư hỏng, hiệu quả thấp

17

baokontum.com.vn

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư xây dựng 312 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (CTCNSHTT). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện có 77 công trình hoạt động bền vững (chiếm 24,68%), 103 công trình tương đối bền vững (chiếm 33,01%). Điều đáng nói là có đến 104 công trình kém hiệu quả (chiếm 33,33%) và 28 công trình dừng hoạt động (8,97%).

Đơn cử như trên địa bàn huyện Sa Thầy, bên cạnh các công trình cấp nước phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều công trình sau thời gian xây dựng đã không được sử dụng, hoặc hư hỏng, thất thoát nước.

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Bình Tây (thôn Bình Nam cũ, thuộc xã Sa Bình) gồm hệ thống giếng khoan và bồn chứa. Hiện, giếng khoan đặt tại nhà ông Phan Thế Nhân (trưởng thôn); còn bồn chứa nước đặt tại đất hộ ông Nguyễn Ngọc Huy (thôn Bình Tây). Nước được bơm từ giếng và theo đường ống dẫn về bồn chứa để người dân có nhu cầu đến lấy về sử dụng. Thế nhưng, tại thời điểm phóng viên có mặt, giếng đã được che miệng, không có ai sử dụng nước tại bồn.

Theo ông Phan Thế Nhân, công trình xây dựng từ nhiều năm nước, khi ông chưa làm trưởng thôn. Thời gian đầu, người dân có sử dụng, sau này, người dân chuyển sang dùng nước sạch nên không dùng giếng khoan.

Bồn chứa nước ở thôn Bình Tây, xã Sa Bình không được sử dụng. Ảnh: PN

 

Đặc biệt, tại công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy do Ban Quản lý dự án 98 làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành được bàn giao cho Trung tâm Môi trường và dịch vụ đô thị huyện Sa Thầy quản lý, vận hành. Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Kinh tế- Xã hội HĐND huyện Sa Thầy, việc lắp đặt các đường ống, đồng hồ nước chưa phù hợp với tình hình thực tế nhu cầu sử dụng của các hộ dân. Trong quá trình vận hành, thường xuyên xảy ra sự cố kỹ thuật. Cụ thể, từ khi đưa vào vận hành đến thời điểm giám sát, công trình đã xảy ra 147 sự cố. Trong đó, có 126 sự cố kỹ thuật, 21 sự cố còn lại do người dân từ việc đốt rác, xây dựng nhà cửa, hàng rào làm hư hỏng. Ngoài ra, tại công trình này, tỷ lệ thất thoát nước không tìm ra nguyên nhân rất lớn, đến trên 55%.

Tại xã Hơ Moong, công trình cấp nước sinh hoạt ở các làng Đăk Wớt, Đăk Yo, đường ống bị hư hỏng, người dân tự ý tháo gỡ các bồn chứa nước. Tại công trình cấp nước sinh hoạt tại làng Khuk Loong (xã Rờ Kơi), dù năm 2022, đã bố trí 110 triệu đồng từ nguồn chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để sửa chữa, nhưng hiện nay không hoạt động, hệ thống đồng hồ bị tháo gỡ.

Còn tại huyện Ia H’Drai, trên địa bàn có10 công trình nước sinh hoạt đã được đầu tư đưa vào sử dụng; trong đó, có 1 công trình do cấp huyện quản lý và 9 công trình do cấp xã đầu tư, quản lý, vận hành. Tuy nhiên, đoàn giám sát Ban Kinh tế -Xã hội HĐND huyện phát hiện hàng loạt các tồn tại trong công tác đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện như: Điểm cấp nước không có nước; thi công thiếu điểm cấp nước so với hồ sơ thiết kế; thi công đường ống không đúng thiết kế, dẫn đến hư hỏng; nước bị đục; công trình cấp nước sinh hoạt tại điểm dân cư được đầu tư hệ thống lọc nước nhưng không đấu nối với hệ thống lọc và hiện nay không được sử dụng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

181613nhi%E1%BB%81u%20c%C3%B4ng%20tr%C3%ACnh%20c%E1%BA%A5p%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20tr%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20b%C3%A0n%20h%C6%B0%20h%E1%BB%8Fng,%20kh%C3%B4ng%20ph%C3%A1t%20huy%20hi%E1%BB%87u%20qu%E1%BA%A3%20(1)

Nhiều công trình cấp nước trên địa bàn hư hỏng, không phát huy hiệu quả. Ảnh: P.N

 

Tại huyện Đăk Tô, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Đăk Tô đã tiến hành hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 113 hộ và xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho hơn 400 hộ thụ hưởng. Tuy nhiên, việc triển khai này còn nhiều tồn tại và hạn chế. Đơn cử như tại công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thôn Măng Rương (xã Văn Lem) do khảo sát vị trí xây dựng bể chứa nước chưa đảm bảo an toàn, nên đã phải thực hiện di dời sang vị trí khác làm chậm tiến độ thực hiện, gây lãng phí ngân sách đầu tư. Hay như công trình nước sinh hoạt tập trung tại thôn Đăk Mơ Ham (xã Pô Kô) mới hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng đã hư hỏng…

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị, chủ đầu tư cần khảo sát, nghiên cứu kỹ hiệu quả đầu tư sát với nhu cầu thực tế của người dân. Đồng thời, cần thực hiện tốt công tác đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng các công trình nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với nhân dân và đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng, vận hành các công trình nước sinh hoạt.. nhằm đưa công trình phát huy hiệu quả, tránh gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.     

Phúc Nguyên


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/nhieu-cong-trinh-cap-nuoc-hu-hong-hieu-qua-thap-43100.html