Gỡ khó cho dự án “vướng” rừng

17

baokontum.com.vn

Với diện tích rừng và đất rừng lớn (độ che phủ rừng cuối năm 2023 là 63,69%), hầu như các dự án lớn, trong đó chủ yếu là dự án giao thông, thủy lợi, gặp khó khăn, vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng rừng trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai.

Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, về đường tỉnh, dự kiến đến năm 2030 nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới 16 tuyến đường tỉnh, gồm 14 tuyến cải tạo và 2 tuyến xây dựng mới.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, với diện tích rừng và đất rừng lớn (độ che phủ rừng cuối năm 2023 là 63,69%), hầu như các dự án lớn, trong đó chủ yếu là dự án giao thông, gặp vướng mắc về chuyển mục đích sử dụng rừng trong giải phóng mặt bằng.

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 dự án đầu tư vướng đất rừng với tổng diện tích là 115,87 ha buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án.

Trong đó, có 4 dự án về giao thông, gồm Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi (58,85 ha đất rừng); Dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai (13,8ha đất rừng); Dự án đường từ  thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp (39,96ha đất rừng); Dự án nâng cấp tuyến đường Đăk Man – Đăk Plô, huyện Đăk Glei (2,51ha đất rừng).

181711a

Các dự án giao thông trọng điểm đều ”vướng” rừng. Ảnh: HL

 

Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có một dự án được phép và thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là Dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Các dự án còn lại đang chờ cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Dự án đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang, tỉnh Gia Lai được UBND tỉnh phê duyệt tháng 5/2021, với tổng vốn 150 tỷ đồng, do UBND huyện Kon Rẫy làm chủ đầu tư.

Nhưng đến cuối tháng 4/2024, UBND tỉnh mới có thể đồng ý chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất để thực hiện dự án.

Nguyên nhân do phạm vi thực hiện dự án có một phần diện tích thuộc rừng tự nhiên, với diện tích 13,85ha.

Chính vì vậy, dự án phải trình cấp thẩm quyền cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để triển khai thực hiện.

Theo chủ đầu tư, dự án phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường; chưa kể đến các luật chuyên ngành và các văn bản dưới Luật có liên quan.

Việc thực hiện trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 và các quy định khác còn phức tạp, phải xin ý kiến nhiều cấp, nhiều bộ, ngành.

Vì vậy chưa tạo sự chủ động cho địa phương, làm mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện dự án.

181731D%E1%BB%B1%20%C3%A1n%20ch%E1%BA%ADm%20ti%E1%BA%BFn%20%C4%91%E1%BB%99%20v%C3%AC%20th%E1%BB%A7%20t%E1%BB%A5c%20chuy%E1%BB%83n%20%C4%91%E1%BB%95i%20m%E1%BB%A5c%20%C4%91%C3%ADch%20r%E1%BB%ABng%20ph%C6%B0c%20st%E1%BA%A1p,%20m%E1%BA%A5t%20nhi%E1%BB%81u%20th%E1%BB%9Di%20gian

Dự án chậm tiến độ vì thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phức tạp, mất nhiều thời gian. Ảnh: H.L

 

Dự án đường từ trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp và Dự án nâng cấp tuyến đường Đăk Man – Đăk Plô, huyện Đăk Glei đều đang gặp khó về vấn đề chuyển đổi đất rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các văn bản trả lời về việc thẩm định hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.

Trong đó, Dự án đường từ trung tâm thị trấn Đăk Glei đến trung tâm xã Xốp chưa đủ cơ sở để xác định dự án tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đầu tư công.

Dự án nâng cấp tuyến đường Đăk Man – Đăk Plô, huyện Đăk Glei chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 huyện được phê duyệt; hồ sơ dự án cần phải có đánh giá sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tỉnh Kon Tum được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Bộ này đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tin vui là quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, vốn phức tạp, đã và đang được quan tâm tháo gỡ, giải quyết.

Như Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi) có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng chưa thể triển khai vì vướng đất rừng.

Mới đây UBND tỉnh có văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ này cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương để triển khai thực hiện.

Ngày 31/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 139/NQ-CP năm 2023 quy định về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án cấp thiết phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư gắp rút hoàn thiện các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất để thực hiện dự án theo quy định.

Ngày 9/9, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 3164/UBND-NNTN yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án.

Trong đó, các chủ đầu tư dự án khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan hoàn thiện hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định. 

Hồng Lam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/go-kho-cho-du-an-vuong-rung-43101.html