baokontum.com.vn
– Mấy ngày nay tôi để ý thấy xôn xao vụ giá đỗ bẩn trong siêu thị lắm. Dư luận đang đặt ra câu hỏi tại sao một hệ thống siêu thị lớn như Bách hóa Xanh lại có thể để lọt thực phẩm bẩn lên kệ hàng? Khâu kiểm soát chất lượng đầu vào có vấn đề gì hay không?
– Đúng rồi. Dù không liên quan gì đến địa phương mình, nhưng tôi vẫn thấy lo lắng là, siêu thị này luôn khẳng định đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu, vậy làm sao giá đỗ ngâm chất cấm lại lọt vào được. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất về sức khoẻ của người tiêu dùng đây?
– Nhìn người lại nghĩ đến ta. Lâu nay, tôi vẫn tin tưởng vào hàng siêu thị, nhất là thực phẩm, rau xanh các loại. Nhưng qua vụ việc này thì thấy lo. Như vụ ở Bách hóa Xanh, trên bao bì giá đỗ được ngâm hoạt chất độc hại đều in các khẩu hiệu như: “Vì sức khỏe của mọi người”, “Không hóa chất”, “Không chất kích thích”, “Không chất bảo quản” đấy thôi. Chỉ khi cơ sở sản xuất bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý thì mới vỡ lở ra.
– Ôi dào! Chuyện đó cũ rồi. Bây giờ dư luận lại đang dậy sóng vì việc Bách hóa Xanh ra một thông báo rất là “tréo ngoe” giữa sóng dư luận là sẽ hoàn tiền cho khách hàng đã mua giá đỗ thương hiệu Lâm Đạo tại Đăk Lăk.
– Đây không chỉ đơn thuần là bịch giá đỗ, được cân đo đong đếm cụ thể, bỏ ra 5.000 đồng hay 10.000 đồng để mua, mà còn sức khỏe của người tiêu dùng, là uy tín, là niềm tin của người tiêu dùng tích tụ được đối với hàng hóa siêu thị. Điều người tiêu dùng cần là phải chịu trách nhiệm, và rà soát lại quy trình kiểm soát đầu vào ấy chứ.
– Đọc tin trên báo mà vừa tức vừa… buồn cười. Tiền mua bịch giá đỗ có đáng bao nhiêu mà đi hoàn, với lại ai giữ hóa đơn nữa. Hoàn tiền nhưng có hoàn được sức khoẻ bị ảnh hưởng không? Có lấy lại được lòng tin hay không?
Với vụ ‘’giá đỗ bẩn’’, niềm tin vào hàng siêu thị có bị lung lay. Ảnh: T.H
Chỉ “nghe lỏm” đoạn đối thoại trên của mấy bác, mấy chú ngồi uống cà phê vỉa hè đường Trần Phú tôi cũng hiểu ra vấn đề. Mọi người đang nói đến vụ Bách hoá Xanh (tỉnh Đăk Lăk) bán giá đỗ ngậm hoá chất có thể gây c h ế t người.
Những ngày cuối năm 2024, báo chí đưa tin, Công an tỉnh Đăk Lăk điều tra vụ việc liên quan đến gần 3.000 tấn giá đỗ chứa hóa chất độc hại được bán ra thị trường.
Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại thành phố Buôn Ma Thuột và các khu vực lân cận sử dụng hóa chất cấm 6-Benzylaminopurine. Mục đích là làm cho rễ cây giá ngắn lại, tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, 6-Benzylaminopurine không nằm trong danh mục cấm, nhưng chỉ được phép dùng cho thực vật nhằm tiêu diệt sinh vật gây hại. Việc sử dụng sai mục đích để ngâm tẩm thực phẩm là trái quy định và có thể bị xử phạt.
Người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm có hóa chất này, bởi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, từ dị tật bẩm sinh đến nguy cơ tử vong nếu sử dụng ở liều lượng lớn.
Thông tin từ cơ quan chức năng, một cơ sở khai nhận đã ký hợp đồng cung cấp giá đỗ cho chuỗi Bách hóa Xanh với số lượng từ 350 – 400 kg/ngày. Trên bao bì sản phẩm, các cơ sở còn dán nhãn “không hóa chất”, “vì sức khỏe mọi người”, gây lừa dối người tiêu dùng.
Trong khi đó, Bách hóa Xanh, đơn vị luôn đề cao chất lượng vệ sinh, an toàn sản phẩm. Các sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu. Và sau khi nhận thông tin, đã cho ngừng, thu hồi sản phẩm của nhà cung cấp Lâm Đạo.
Nhưng câu hỏi người tiêu dùng đặt ra là, bằng cách nào, thực phẩm bẩn vẫn có cách lách vào tận siêu thị và chễm chệ trên giá đợi móc ví người tiêu dùng với giá cao, với danh nghĩa “thực phẩm sạch”?
Nói rộng hơn, liệu ở các siêu thị khác có hay không những sản phẩm độc hại, như “giá đỗ Lâm Đạo” bị tuồn vào?
Người tiêu dùng kiểm tra xuất xứ hàng rau xanh tại Siêu thị Co.oop Kon Tum. Ảnh: TH
Trở lại cuộc trò chuyện của mấy bác, mấy chú. Dù vẫn động viên rằng, đó là “siêu thị xứ người”, chứ các siêu thị “xứ ta” vẫn có thể tin tưởng được, nhưng chính tôi cũng thấy lòng tin với hàng hóa siêu thị bị lung lay.
Phải nói ngay rằng, bấy lâu nay, như rất nhiều người tiêu dùng khác, tôi đặt niềm tin vào hàng siêu thị, nhất là các mặt hàng thực phẩm, rau xanh. Lý do là, ngoài uy tín của cơ sở sản xuất, thể hiện ở nhãn mác, bao bì, chủ yếu vẫn là tin vào khâu kiểm tra, cấp chứng nhận của cơ quan chức năng và “bộ lọc” đầu vào của siêu thị.
Nhưng từ vụ giá đỗ ngâm “nước kẹo” cho thấy “bộ lọc” này vẫn “trục trặc” như thường. Dẫn đến giá đỗ bẩn vẫn chễm chệ trên kệ hàng, và vì được bảo chứng bằng uy tín của siêu thị, nên vẫn lừa được người tiêu dùng.
Ngay cả các “bộ lọc” nêu trên đều không hiệu quả, thực phẩm độc vẫn có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý để bán trong siêu thị với nhãn mác thực phẩm sạch, thì việc người tiêu dùng lo lắng là không tránh khỏi.
Bởi dựa vào đâu để tin thực phẩm được bán trong các siêu thị tiếng tăm là “không hóa chất”, “vì sức khỏe của mọi người” như thông tin trên nhãn mác?
Rõ ràng là, để giữ được niềm tin của người tiêu dùng, các siêu thị cần tăng tần suất kiểm tra hàng hóa, lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm bán tại siêu thị để rà soát, phòng ngừa rủi ro hàng hóa kém chất lượng bị nhà cung cấp cố tình đưa vào phân phối.
Cần kiểm soát chặt các hồ sơ pháp lý, chất lượng hàng hóa và chứng minh nguồn gốc xuất xứ; nâng cao khả năng xét nghiệm; tăng cường các chuyến xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động, kịp thời kiểm soát chất lượng thực phẩm ngay tại nguồn.
Bỏ qua những đồn đoán về sự khuất tất, chúng ta kkhông nên đặt hết niềm tin vào mấy dòng chữ in trên bao bì.
Thành Hưng
Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/gia-do-ban-vao-sieu-thi-44981.html