www.nguoiduatin.vn
Giá cà phê trong nước
Giá cà phê hôm nay 19/4 trong khoảng 119.600 – 120.200 đồng/kg. Sau quãng thời gian tăng nóng và dư mua trên sàn, cà phê giảm sâu. Động thái được báo trước do tăng quá mạnh trước đó, thị trường cần 1 nhịp điều chỉnh lại. Hiện trên 2 sàn hợp đồng dư mua vẫn chiếm đa số.
Thông tin trên Kinh tế & Đô thị tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 119.600 đồng/kg.
Tại huyện Cư M’gar ( Đăk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 120.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H’leo ( Đăk Lắk), Buôn Hồ ( Đăk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 120.000 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đăk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 120.200 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 120.000 đồng/kg ở Đăk R’lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 120.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 120.000 đồng/kg.
Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 120.000 đồng/kg.
Thị trường cà phê trong nước quay đầu giảm so với cùng thời điểm hôm qua.
Ảnh minh họa.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 giảm 153 USD/tấn, ở mức 4.081 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 133 USD/tấn, ở mức 4.062 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 giảm 8,1 cent/lb, ở mức 239,85 cent/lb, giao tháng 7/2024 giảm 9,25 cent/lb, ở mức 231,1 cent/lb.
Sau quãng thời gian tăng nóng và dư mua trên sàn, cà phê giảm sâu. Động thái giảm của cà phê được báo trước do tăng quá mạnh trước đó, thị trường cần 1 nhịp điều chỉnh lại. Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, hiện trên 2 sàn hợp đồng dư mua vẫn chiếm đa số.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng mạnh cũng góp phần làm giảm giá cà phê. Vị chuyên gia còn cho biết thêm, sàn vàng và ca cao phiên vừa qua đồng loạt tăng đã hút vốn của cà phê. Các quỹ và đầu cơ bán mạnh hợp đồng mua khống đẩy cà phê có phiên giảm mạnh.
Rạng sáng 19/4, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,21%, đạt mốc 106,16.
Đồng USD tăng sau khi một loạt dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố, góp phần củng cố quan điểm rằng nền kinh tế vẫn đang trên đà tăng trưởng vững chắc. Điều này có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ trì hoãn thời điểm cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020 đến cuối năm nay.
Trước đó, lo ngại về vụ mùa và tình hình cây trồng ở Brazil và Việt Nam đã đẩy cà phê tăng sốc trong nhiều ngày liền. Hiệp hội cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo sản lượng niên vụ 2024 – 2025 sẽ giảm 15%.
Chuyên gia lo ngại về tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang ảnh hưởng tới hầu hết các vườn cà phê tại Việt Nam. Mức nước ngầm, yếu tố quan trọng để tưới tiêu, hiện tại ở một số nơi phải khoan sâu đến 140 mét mới có thể đạt được, trong khi trước đây chỉ cần 90 mét đã có nước.
Theo số liệu trên Mekong ASEAN, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang 37 thị trường, trong đó có 31 thị trường ghi nhận tăng giá xuất khẩu cà phê so với cùng kỳ năm trước. Đức – thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam cũng ở mức 3.168 USD/tấn, tăng tới 56% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường lớn khác như Italy đạt 3.033 USD/tấn, tăng 47%; Tây Ban Nha đạt 3.368 USD/tấn, tăng 49%.
Theo các chuyên gia, có thể nói trong 2 ngày qua diễn biến giá cà phê xoay chóng mặt khi chuyển từ thái cực “tăng thẳng đứng” sang “rơi tự do”. Nguyên nhân là do tâm lý thị trường diễn biến theo trạng thái nóng – lạnh ở khu vực Trung Đông. Đầu năm nay, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến chuỗi cung ứng hàng hóa từ châu Á sang châu Âu bị kéo dài thêm khoảng 1 tháng, cước phí tăng vọt. Vì thế, khi Israel tuyên bố tấn công đáp trả Iran khiến thị trường căng thẳng, kéo theo giá cà phê tăng vọt. Các nhà rang xay và đầu cơ châu Âu lo lắng nguồn cung thiếu hụt nếu căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên ngay sau đó, tình hình đã hạ nhiệt nhanh chóng khi Israel bỏ kế hoạch tấn công chớp nhoáng và Iran cũng cho biết không muốn leo thang căng thẳng. Điều này khiến giá cà phê “rơi tự do” trong phiên tối qua, theo Thanh Niên.
Dự báo năm 2024, xuất khẩu cà phê có thể đạt đến 5 tỷ USD nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có sự bứt phá về giá. Cùng với nhu cầu thế giới tăng cao, một số sản phẩm cà phê nhân được sử dụng rang xay làm hòa tan trong nước, nên nhu cầu nội địa cũng tăng. Việt Nam hiện là nước sản xuất và cung cấp cà phê Robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chiến lược xuất khẩu để tận dụng tối đa những lợi thế hiện có.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) tính theo niên vụ, niên vụ cà phê 2023/2024 (từ tháng 10.2023 đến hết tháng 1.2024), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 564.699 tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ của niên vụ trước.
Trúc Chi (t/h)
Nguồn bài viết:
https://www.nguoiduatin.vn/gia-ca-phe-quay-dau-giam-nhe-sau-phien-tang-ky-luc-a659766.html