Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ

9

baokontum.com.vn

22/06/2024 13:02

Bảo đảm an toàn cho các hồ, đập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai. Trước tình hình thời tiết trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp, mưa bão khó lường, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai phương án ứng phó với lũ lụt nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 594 công trình thủy lợi do ngành Nông nghiệp và các huyện, thành phố của tỉnh quản lý, vận hành khai thác. Trong đó, có 19 đập, hồ chứa lớn; 28 đập, hồ chứa vừa, 539  đập, hồ chứa nhỏ và 7 trạm bơm điện.

Ông Đặng Trần Huân- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nhìn chung, đến nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng tương đối cơ bản, đảm bảo phục vụ nước tưới cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn công trình trước và sau mùa mưa lũ, kịp thời sửa chữa các hư hỏng nhỏ, đảm bảo khả năng tích trữ, tưới và tiêu nước của các công trình.

175624%C4%90%E1%BA%A3m%20b%E1%BA%A3o%20an%20to%C3%A0n%20cho%20c%C3%A1c%20c%C3%B4ng%20tr%C3%ACnh%20th%E1%BB%A7y%20l%E1%BB%A3i%20l%C3%A0%20m%E1%BB%99t%20trong%20nh%E1%BB%AFng%20nhi%E1%BB%87m%20v%E1%BB%A5%20quan%20tr%E1%BB%8Dng%20trong%20ph%C3%B2ng%20ch%E1%BB%91ng%20thi%C3%AAn%20tai.

Đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phòng chống thiên tai. Ảnh: T.H

 

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành sửa chữa, khắc phục 12 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xói lở kênh mương do ảnh hưởng trong mùa mưa lũ năm 2023. Đồng thời, tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi đã được triển khai từ các năm trước như hồ chứa Đăk Po Kei (huyện Kon Rẫy), hồ chứa Ia Hiur (huyện Ia H’Drai), đập Đăk Cấm (thành phố Kon Tum), đập Đăk Sia II (huyện Sa Thầy), đập Đăk Long (huyện Ngọc Hồi), kênh hồ Đăk Uy (huyện Đăk Hà)… để sớm đưa vào khai thác sử dụng.

Hệ thống công trình thủy lợi không chỉ có đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghệp mà còn góp phần cắt giảm, điều tiết lũ, tiêu thoát nước.

Thời gian qua, các đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh được vận hành đảm bảo yêu cầu phòng, chống lũ, chưa xảy ra sự cố mất an toàn công trình. Tuy nhiên, hiện tại, có nhiều công trình thủy lợi quy mô nhỏ được xây dựng lâu, kết cấu đơn giản, biện pháp thi công trước đấy chủ yếu bằng thủ công, nên qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp, không đảm bảo nhiệm vụ cung cấp nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt và điều tiết, cắt lũ, giảm nhẹ thiệt hại mưa lũ gây ra trong mùa mưa.

Trong khi đó, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu kéo theo sự gia tăng về tần suất và cường độ mưa lũ, gây áp lực rất lớn đến các công trình, nhất là hồ chứa, đập dâng có tràn xả lũ tạm bằng đất hoặc không có đường quản lý vận hành, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, dẫn đến nguy cơ mất an toàn đồ, đập cao trong mùa mưa lũ; đây là một trong những vấn đề rất đáng lo ngại.

Ngay từ đầu năm, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi. Ảnh: TH

 

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, trong mùa mưa bão năm 2024, khả năng sẽ có 2 -3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta gây mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa từ 100-250mm/đợt, kèm theo dông, sét, mưa đá. Trên phạm vi toàn tỉnh có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, nhất là trong các tháng 9,10,11; tác động đến môi trường, cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân và các hoạt động kinh tế- xã hội.

Ông Đặng Trần Huân cho biết: Trước tình hình thực tế trên, để đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị quản lý tổ chức khai thác công trình thủy lợi an toàn; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình nhằm phát hiện kịp thời những hư hỏng, sự cố phát sinh đột xuất, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu. Từ đó, đề xuất và có giải pháp khắc phục, xử lý nhanh nhất các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình. Các đơn vị chức năng cũng chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong điều kiện xảy ra mưa, lũ lớn theo phương châm “4 tại chỗ”; tiến hành vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước; bố trí đầu đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin diễn biến thời tiết; phân công lực lượng cán bộ, công nhân đủ năng lực chuyên môn trực quản lý, vận hành công trình theo đúng quy trình được phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát và có giải pháp xử lý ách tắc dòng chảy khi vận hành xả lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa để người dân chủ động di dời, sơ tán góp phần đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng.

Ngành Nông nghiệp, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi và các địa phương cũng tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du các đập; huy động lực lượng chủ động tham gia bảo vệ các công trình thủy lợi.

Trong công tác phòng, chống thiên tai, sự chủ động là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vì thế, việc chủ động, thực hiện có hiệu quả phương án bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trong mưa bão là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa hậu quả, giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thiên Hương


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dam-bao-an-toan-cong-trinh-thuy-loi-trong-mua-mua-lu-41510.html