Đăk Tô: Không để cây trồng bị hạn

33

baokontum.com.vn

23/04/2024 13:02

Với các nhận định về tình trạng hạn hán, thiếu nước có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô do ảnh hưởng của El Nino, huyện Đăk Tô đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán gây ra.

Trên địa bàn huyện Đăk Tô có 69 công trình thủy lợi, trong đó Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý 32 công trình, huyện Đăk Tô quản lý 37 công trình. Qua kiểm tra tình hình quản lý, khai thác hạ tầng thủy lợi thì Trạm quản lý thủy nông Đăk Tô, UBND các xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác quản lý, điều tiết nguồn nước tưới. Hiện tại, nguồn nước tại đập đầu mối các công trình thủy lợi trên địa bàn cơ bản đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô năm 2024. Tuy nhiên, dự báo đến cuối vụ Đông Xuân có khả năng thiếu nước tưới (vào cuối tháng 4/2024) trên diện tích khoảng 131,5ha (lúa nước 30,5ha, cây cà phê 127ha), tập trung ở các xã Tân Cảnh, Diên Bình, Ngọc Tụ và thị trấn Đăk Tô.

Nước trên sông Đăk Tờ Kan xuống thấp, nguy cơ thiếu nước cho cây trồng ở Đăk Tô. Ảnh: HN

 

Theo UBND xã Ngọc Tụ, trên địa bàn xã có 2 đập Đăk Ngó và Đăk Nu đang phục vụ tưới cho 33ha cây lúa và cây công nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối vụ Đông Xuân này có khoảng 6ha lúa có khả năng thiếu nước. Xã đã tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển những diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng những loại cây phù hợp để hạn chế sử dụng nước nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm, tích cực tham gia nạo vét kênh mương nội đồng, đắp bờ, chống rò rỉ nước để giữ nước ở mặt ruộng.

Nhằm chủ động nguồn nước, huyện đã chỉ đạo Trạm quản lý thủy nông huyện thông báo danh sách cán bộ phụ trách địa bàn, phụ trách công trình thủy lợi gửi UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan để biết, chủ động phối hợp quản lý vận hành, điều tiết nguồn nước phục vụ nhân dân sản xuất. Cùng với đó thường xuyên tổ chức kiểm tra nguồn nước các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, thực hiện điều tiết tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, phân phối nước hợp lý để đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất nông nghiệp và nhu cầu thiết yếu nhân dân (sinh hoạt, chăn nuôi…) cho cả mùa khô năm 2023 – 2024.

Ngay từ cuối năm 2023, huyện Đăk Tô đã giao chỉ tiêu kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới vụ Đông Xuân 2023- 2024 cho các xã, thị trấn thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất diện tích đất lúa bỏ hoang, không sản xuất do thiếu nước, lãng phí nguồn tài nguyên đất với tổng diện tích 64ha. Trong đó, chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn chuyển sang trồng 22ha bắp, 24ha mía đường, rau đậu các loại 20ha.

162721%C4%90ak%20T%C3%B4%20ti%E1%BA%BFt%20ki%E1%BB%87m%20ngu%E1%BB%93n%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc%20v%C3%A0%20kh%C3%B4ng%20%C4%91%E1%BB%83%20c%C3%A2y%20tr%E1%BB%93ng%20b%E1%BB%8B%20h%E1%BA%A1n min

Đăk Tô tiết kiệm nguồn nước và không để cây trồng bị hạn. Ảnh: HN

 

Ông Tưởng Văn Khanh- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, Phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn, vận động nông dân gieo cấy lúa nước vụ Đông Xuân 2023-2024 xong trước ngày 30/12/2023 để phòng thiếu nước tưới cuối vụ. Phân công công chức phụ trách địa bàn thường xuyên phối hợp với Trạm quản lý thủy nông huyện, đơn vị nhận đặt hàng quản lý các công trình thủy lợi huyện quản lý và UBND các xã, thị trấn kiểm tra nguồn nước đến, vận hành, điều tiết nguồn nước để phục vụ nhân dân phát triển sản xuất.

Theo ông Đặng Quang Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ban hành kế hoạch phòng chống hạn vụ Đông Xuân 2023-2024 trên địa bàn quản lý. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Trạm quản lý thủy nông Đăk Tô, đơn vị nhận quản lý vận hành các công trình thủy lợi do huyện quản lý (Công ty TNHH MTV Huỳnh Ngọc) thường xuyên kiểm tra nguồn nước của các công trình thủy lợi để có biện pháp điều tiết nguồn nước hợp lý theo từng công trình; thực hiện các giải pháp chủ động tích nước ở các đập, hồ chứa; rà soát lại toàn bộ vật tư, thiết bị phục vụ công tác chống hạn hán; tổ chức kiểm tra lại toàn bộ hệ thống kênh mương, đập đầu mối để kịp thời phát hiện các hư hỏng, chủ động khắc phục sửa chữa; thông báo lịch tưới của các công trình cho nhân dân biết, chủ động tưới nước cho cây trồng, không để bị hạn, ảnh hưởng đến năng suất.

“Để chủ động nguồn nước, ngay trong dịp ra quân đầu năm xây dựng nông thôn mới và cả trong giai đoạn hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân trong vùng hưởng lợi chủ động tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương nội đồng, dẫn nước vào ruộng, đắp bờ, chống rò rỉ nước để giữ nước ở mặt ruộng. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa thiếu nước, đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn theo kế hoạch huyện giao; xây dựng kế hoạch cụ thể chống hạn và phương án cấp nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn đơn vị quản lý nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do hạn hán gây ra”- ông Đặng Quang Hải cho biết.

Theo ông Tưởng Văn Khanh, đến thời điểm này, trên địa bàn không có diện tích cây trồng bị hạn và cũng chưa có giếng nước bị khô hạn. Tuy nhiên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn tuyên truyền, vận động người dân cần sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tiến hành nạo vét kênh dẫn nước, chủ động máy bơm để có biện pháp chống hạn cho cây trồng khi xảy ra thiếu hụt nước, với mục tiêu không để cây trồng bị hạn, ảnh hưởng đến năng suất.

Hà Nam


Nguồn bài viết:
http://baokontum.com.vn/kinh-te/dak-to-khong-de-cay-trong-bi-han-40447.html